Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng dự lễ nhận Bằng di tích Địa đạo Củ Chi

12/02/2016 00:00

Sáng 12/2 (ngày mùng 5 tết), tại đền Gia Định (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức lễ đón nhận...

 

Sáng 12/2 (ngày mùng 5 tết), tại đền Gia Định (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi và họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình; Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng; Thiếu tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng; các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Khu ủy qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo Trung ương, TPHCM; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng... đã tham dự buổi lễ.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Khuất Thế Anh
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Khuất Thế Anh

Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã ôn lại truyền thống đấu tranh vẻ vang của cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Tại nơi đây, trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mặc dù chiến trường vô cùng ác liệt, hiểm nguy nhưng quân và dân ta vẫn quyết “một tấc không đi, một ly không rời”. Nơi đây, quân, dân ta đã tổ chức hàng trăm trận đánh mưu trí, sáng tạo và táo bạo vào sào huyệt của địch, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang thay mặt lãnh đạo Thành phố bày tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống thống vẻ vang của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong những năm tháng kháng chiến gian khổ và ác liệt.

Theo Phó Bí thư Thường trực, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và ác liệt, hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, những người con ưu tú của nhân dân Thành phố và mọi miền đất nước đã chiến đấu kiên cường, đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những công lao thầm lặng, những chiến công vang dội và sự hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ, của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta; làm nên truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, anh hùng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TPHCM hôm nay.

Đồng chí Tất Thành Cang khẳng định: Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM luôn đi đầu trong những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc và trong thời kỳ đổi mới. Tự hào với truyền thống vẻ vang đó, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, Thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cũng tại buổi họp mặt, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải mong rằng, kế thừa, phát huy truyền thống vùng đất Củ Chi “Đất Thép thành đồng”, Thành phố phải ra sức xây dựng vùng đất này ngày càng giàu mạnh, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng TPHCM trở thành Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nhân dịp này, các đại biểu cũng đã chứng kiến nghi thức đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận.

Thời gian qua, Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi luôn làm tốt công tác bảo quản, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Hàng năm, Khu Di tích đón tiếp và phục vụ khoảng trên 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về hệ thống địa đạo và viếng Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.

Trước đó, các đại biểu đã đến dâng hương tại Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược và Đền Gia Định tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Theo Chinhphu.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng dự lễ nhận Bằng di tích Địa đạo Củ Chi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO