BHXH VN tìm giải pháp “tăng tốc”
Chiều 17/11, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi làm việc với BHXH 12 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và công tác quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Tham dự buổi làm việc có các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Nguyễn Đức Hòa; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc liên quan BHXH Việt Nam. Về phía BHXH 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình, Lào Cai có Giám đốc, các Phó Giám đốc và các phòng liên quan.
Đánh giá cụ thể các khó khăn, vướng mắc
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Tổng Giám đốc yêu cầu giám đốc BHXH các địa phương báo cáo cụ thể về tình hình, kết quả triển khai công tác thu, phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT; công tác sử dụng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên địa bàn. Trong đó cần nêu rõ số cần phát triển để hoàn thành, các khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là các giải pháp trong hơn 1 tháng còn lại của năm 2023.
Qua báo cáo của lãnh đạo BHXH các địa phương, hiện nay, BHXH 12 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đều đang gặp khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Nhiều tỉnh số người tham gia mới chỉ vượt qua mức hết năm 2022, đang phải tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu của năm 2023. Tỷ lệ sử dụng dự toán chi phí KCB BHYT ở hầu hết các tỉnh đều đã ở mức cao, một số tỉnh đã gần sử dụng hết nguồn của năm 2023.
Lãnh đạo BHXH 12 địa phương đã phân tích nguyên nhân và nêu các giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo đó, về BHXH bắt buộc, lãnh đạo, bộ phận thu sẽ tăng cường bám cơ sở, đến từng đơn vị sử dụng lao động, truyền thông, vận động, tổ chức các hội nghị đối thoại; tăng cường công tác thanh tra; rà soát dữ liệu thuế; giảm số nợ đọng, chậm đóng… Về BHXH tự nguyện, thực hiện giao chỉ tiêu cho các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn: Bưu điện, Viettel, các tổ chức khác; tổ chức lễ ra quân, tổ chức hội nghị truyền thông, khách hàng; tham mưu địa phương có thêm các chính sách hỗ trợ… Về BHYT, khẩn trương rà soát các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ, gửi danh sách và tham mưu UBND tỉnh triển khai hỗ trợ đền từng quận, huyện; tham mưu, huy động các nguồn lực trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm yếu thế được tham gia; rà soát dữ liệu thuế… Về kiểm soát chi phí KCB BHYT, bộ phận giám định, BHXH các quận huyện sẽ bám sát biến động số chi hằng ngày để có cảnh báo kịp thời cho các cơ sở KCB; tăng cường công tác kiểm tra, tập trung vào các cơ sở có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi, bất thường; kiên quyết xuất toán các chi phí sai quy định.
Chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp “tăng tốc”
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã thông tin, đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ Dương Văn Hào đánh giá, hiện nay, việc thực hiện kịch bản truyền thông, phát triển người tham gia còn chưa đồng đều giữa các địa phương. Nhiều địa phương chưa phát triển được nhóm người dân làm nông, lâm, ngư, diêm, nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Việc rà soát dữ liệu thuế, các địa phương thực hiện chưa hiệu quả.
Hiện nay, các địa phương đã thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã nhưng sự vào cuộc chưa tốt, nhất là ở cấp xã. Do đó, BHXH các tỉnh phải tăng cường công tác tham mưu để tăng cường vai trò, hoạt động của các Ban chỉ đạo; tham mưu để Ban chỉ đạo cấp tỉnh làm việc chung hoặc làm việc với từng huyện, xã để giao các chỉ tiêu, giao rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; phải mời được trưởng thôn, trưởng bản tham gia, làm cộng tác viên.
Các hình thức truyền thông phát triển người tham gia cần tăng cường, linh hoạt hơn nữa như: Hội nghị khách hàng, theo nhóm, 1-1, hội đoàn thể…; đề xuất địa phương có thêm các nguồn hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh “nước rút” hiện nay, linh hoạt về chuyển nguồn, ngắn hạn và dài hạn.
Trong công tác thu, cần tăng cường phối hợp giữa bộ phận thu và thanh tra; phân công lãnh đạo, viên chức ra quân, bám sát đơn vị, địa bàn. Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ đã phối hợp với Trung tâm CNTT rà soát các nhóm tiềm năng của từng tỉnh, tổng hợp gửi đến BHXH các địa phương, BHXH các tỉnh cần quan tâm nghiên cứu, có giải pháp truyền thông, vận động phù hợp.
Về lĩnh vực BHYT, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc thông tin thêm về tình hình sử dụng kinh phí KCB BHYT tại các địa phương và một số lưu ý trong thực hiện Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ về quyền lợi, thủ tục KCB BHYT cho người dân; thanh toán chi phí KCB. Ông Phúc cũng lưu ý các địa phương: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên về việc kiểm soát chi phí KCB BHYT, đảm bảo thực hiện xuất toán, rà soát bệnh nhân nội trú đúng quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố không nói về khó khăn, tập trung tìm giải pháp trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Về BHXH bắt buộc, các địa phương bám sát vào các kịch bản, chỉ đạo của BHXH Việt Nam đã ban hành. Tương tự BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam cũng vừa ban hành kịch bản chi tiết, BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai, trong đó cần chú ý đến việc phát huy mối quan hệ 3 bên giữa: cơ quan BHXH, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp tại địa phương và các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn. BHXH tỉnh phải rà soát, thống kê, lập danh sách những nhóm tiềm năng, người chưa tham gia, cung cấp cho các Ban chỉ đạo phục vụ hoạt động chỉ đạo, giao kế hoạch, truyền thông. BHXH tỉnh tham mưu để Ban chỉ đạo cấp xã triển khai giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đến từng thôn, bản. Về BHYT, tập trung rà soát nhóm đối tượng được mở rộng, hỗ trợ theo Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời chú trọng nhóm người dân làm nông, lâm, ngư, diêm, nghiệp…
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu, Ban Thực hiện chính sách BHYT khẩn trương hoàn thiện các nội dung hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố những nội dung mới trong thanh toán chi phí KCB BHYT theo Nghị định 75. BHXH các tỉnh đánh giá lại công tác giám định, so sánh với những năm trước để có giải pháp hiệu quả trong thời gian còn lại của năm 2023.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, 12 địa phương dự họp chiếm tỷ trọng lớn trong các chỉ tiêu của Ngành. Nếu các tỉnh không “tăng tốc”, hoàn thành không tốt nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả toàn quốc. Thời gian qua, BHXH 12 tỉnh cùng với cả nước đã rất cố gắng, đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên một số địa phương chưa thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao do việc triển khai chưa quyết liệt, phương pháp chưa khoa học.
Tổng Giám đốc yêu cầu, sau cuộc họp, BHXH các tỉnh cần bắt tay vào triển khai ngay các chỉ đạo, giải pháp, kịch bản của Ngành vì thời gian còn lại của năm 2023 rất ít. Trong phát triển BHXH bắt buộc, BHXH tỉnh bám sát kịch bản của Ngành, nhưng cần nghiên cứu, đánh giá, áp dụng linh hoạt với tình hình địa phương; đẩy mạnh phối hợp giữa bộ phận thu và thanh tra để thực hiện hiệu quả công tác thanh tra đột xuất với các đơn vị nợ; tiếp tục rà soát hiệu quả dữ liệu thuế, phối hợp với cơ quan công an; theo dõi sát tình hình biến động lao động trên địa bàn trong những tháng cuối năm… BHXH tự nguyện bên cạnh các nhóm tiềm năng từ trước thì cần quan tâm đến các nhóm vừa được hỗ trợ theo Nghị định 75, những người này được hỗ trợ tham gia BHYT rồi thì cần truyền thông để họ tham gia thêm BHXH tự nguyện. Trong phát triển BHYT cũng cần bám sát các kịch bản của Ngành; rà soát các nhóm được hỗ trợ theo Nghị định 75; đồng thời huy động thêm các nguồn hỗ trợ khác; cần xác định phát triển người tham gia BHYT, không chỉ là chỉ tiêu cần hoàn thành mà còn là trách nhiệm với người dân, giúp người dân không rơi vào nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.
BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp (từ cấp tỉnh đến cấp xã); đồng thời phát huy vai trò của cán bộ văn hóa xã, các trưởng thôn, trưởng ban trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.