Bệnh viện Đống Đa: Khai khuyết điểm sẽ… được thưởng

16/12/2014 00:00

(TN&MT) – Sau đúng 10 ngày đêm vào chăm sóc người thân, phóng viên báo TN&MT đã có trải nghiệm ấn tượng về bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội

   
(TN&MT) – Trong khi hầu như mọi người đều… sợ mỗi khi vào bệnh viện, khi mà đây đó vẫn còn nhiều hạt sạn khiến người dân còn nhiều nghi ngờ về đạo đức ngành y, khi mà cánh phóng viên chúng tôi rất khó để viết một bài khen về đài tài bệnh viện… thì sau đúng 10 ngày với điệp khúc sáng đi làm, trưa chiều và suốt đêm vào chăm sóc người thân, phóng viên báo TN&MT đã có trải nghiệm ấn tượng về bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội
   
Không còn nỗi lo khi vào viện
   
  Cách đây đúng 10 ngày, vào khoảng 11h20 sáng 05/12, khi đang làm việc tại tào soạn, tôi đã nhận được điện thoại của bác sỹ bệnh viện YHC: “Mẹ em rất nguy kịch, cần chuyển viện gấp…”. Là đàn ông, dù cố tỏ ra bình tĩnh trước mặt đồng nghiệp nhưng trong lòng như lửa đốt, tôi phóng xe như bay về bệnh viện. “Mẹ em sốt cao liên tục, tiểu cầu hiện xuống rất rất thấp, em làm thủ tục chuyển viện cho mẹ gấp…” tai tôi như ù đi lại chẳng biết chuyên môn nên chỉ gật đầu làm theo ý bác sỹ.
   
   
Phòng bệnh ở BV Đống Đa luôn sạch sẽ, gọn gàng
   
  “Bây giờ giữa bệnh viện TN, BM, HHTM… và bệnh viện Đống Đa, em muốn chuyển mẹ đi đâu? Theo chị thì em nên đưa mẹ đến Đống Đa…” Mới nghe đến vậy, tôi dãy nảy: “Không! Sao lại đưa mẹ em đến Đống Đa?”. Nói rồi tôi bốc điện thoại gọi ngay cho một ông anh là PGS - Tiến sĩ - Bác sỹ, Phó Giám đốc một bệnh viện khá lớn ở Hà Nội. Nghe kể sơ về tình hình nguy kịch của mẹ tôi, anh bảo: “Theo anh, em nên đưa mẹ vào Đống Đa. Ở đó cơ số máu lúc nào cũng sẵn sàng. Còn những vấn đề khác, vào rồi em sẽ biết…”. Vậy là tôi chỉ biết cuống cuồng đưa mẹ lên taxi vào bệnh viện theo chỉ dẫn của ông anh bác sỹ.
   
  Đến bệnh viện dù đã hơn 12h trưa nhưng ngay lập tức mẹ tôi được nhân viên phòng cấp cứu cùng dìu vào xe đẩy rồi đưa thẳng lên khu vực cấp cứu của khoa Truyền nhiễm. Sau gần 2 tiếng với những thủ thuật y khoa, nào tiếp máu, truyền nước, truyền thuốc… tôi được điều dưỡng đề nghị đưa mẹ về phòng 201, nhà D. Vào căn phòng nhỏ xinh lại chỉ có 2 giường bệnh với ga, đệm, gối… trắng toát, thơm phức và hệ thống nhà vệ sinh khép kín lịch sự như khách sạn, tôi nghĩ: “chắc họ đưa mẹ mình vào phòng dịch vụ!”.
   
  Đợi khi các bác sỹ, y tá ra ngoài hết, tôi hỏi người phụ nữ cũng đi chăm con bên cạnh (sau này tôi mới biết chị tên là Hà My, nhà ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh). Chị My bảo: “Mới đầu em cũng nghĩ như anh nhưng không phải phòng dịch vụ đâu anh ạ. Phòng thường, phòng cho bệnh nhân Bảo hiểm y tế đấy… Em đưa con đi gần chục bệnh viện rồi nhưng quả thực chưa nơi nào ưng ý như ở đây”.
   
  Không tin vào mắt mình, nhân lúc mẹ nằm nghỉ, tôi lượn đi “nhòm” vào các phòng bên cạnh và hỏi thăm vài người nhà bệnh nhân thì đúng như vậy thật. Giờ thì tôi hoàn toàn tin vào lời giới thiệu của chị bác sỹ bệnh viện YHC và ông anh Bác sỹ: “Cứ vào Đống Đa em sẽ biết".
   
Luôn lắng nghe góp ý của người nhà và bệnh nhân       
   
  Trong 10 ngày trông mẹ ở bệnh viện tôi đã 2 lần được… dự cuộc họp giữa bệnh viện với người nhà bệnh nhân.
   
  Lần thứ nhất, vào 16h30 chiều thứ sáu, ngày 05/12 cùng với trên 20 người nhà bệnh nhân, chúng tôi được chị Trần Phương Thảo, Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm truyền đạt tất cả các nội quy, quy chế của bệnh viện, của ngành y rồi quyền, nghĩa vụ của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… Với chất giọng đầy truyền cảm chị Điều dưỡng trưởng hỏi han về sự hài lòng của người nhà và bệnh nhân.. Nghe chị nói, chị hỏi mà tôi cứ nghĩ điều này chỉ có trên… lý thuyết.
   
   Kết thúc buổi họp, tôi nhìn lên cửa căn phòng mình vừa ngồi thấy đề bảng “Phòng Tuyền thông”, rồi ở bảng tin của khoa thấy dán đủ các loại: từ Quy định về đạo đức ngành y; Quyền và nghĩa vụ của người bệnh; Nhiệm vụ của nhân viên y tế; Bảng giá các loại dịch vụ khám chữa bệnh… đến số điện thoại đường dây nóng 24/24 của khoa, của bệnh viện, số di động của Giám đốc bệnh viện, Sở Ytế… càng khiến tôi tin tưởng những gì người nhà bệnh nhân ca ngợi về bệnh viện là thực.   
    
   
   
Giao ban với người nhà là nơi để y, bác sỹ bệnh viện hoàn thiện mình (ảnh chụp trưa 11/12)
   
Lần thứ hai, tranh thủ xong công việc buổi sáng, 11h trưa ngày 11/12, tôi vào với mẹ đúng lúc mọi người đang lục tục đi họp. Vậy là tôi găm chiếc máy ảnh với cuốn sổ chạy theo. Lần này là cuộc họp giữa điều dưỡng bệnh viện với đại diện người nhà của 11 khoa. Trực tiếp dự họp, nghe từng tiếng khen, từng lời góp ý chân thành của người nhà bệnh nhân rồi những lời tiếp thu, góp ý của điều dưỡng, của các bác sỹ để làm sao chăm sóc người nhà tốt hơn… tôi càng cảm phục tấm lòng của các anh chị và hiểu rằng ở đâu cũng sẽ tốt lên nếu như mọi người thấm nhuần văn hóa công sở trong công việc.
   
Khai khuyết điểm sẽ… được thưởng
   
  Để có thông tin đa chiều cho bài viết, tôi hẹn gặp Bác sỹ Lê Hưng - Giám đốc bệnh viện. Sau nhiều lần từ chối với đủ lý do: “Mình rất bận, mình phải đi họp”, rồi “bạn là nhà báo à? Thì có gì bạn thấy bạn cứ viết đi”… nhưng thấy tôi kiên trì gọi và nhắn tin hẹn gặp, bác sỹ Lê Hưng cũng đồng ý tiếp tôi vào… chiều Chủ nhật 14/12.
   
  Sau cái bắt tay… dè chừng, rót mời tôi chén trà nóng thơm phức, bác sỹ Hưng nói mà như không muốn tiếp chuyện: “Có gì bạn hỏi đi nào. Bệnh viện mình có gì đâu để khen với chê bạn ơi…”. Nhưng sau vài câu xã giao, biết tôi đã chăm người nhà cả chục ngày trong bệnh viện thì bác sĩ Hưng gần gũi hơn: “Vậy thì bạn hiểu bệnh viện Đống Đa quá rõ rồi còn gì… Bạn cần biết gì thêm, cứ hỏi mình sẽ nói”.
   
  Cả tôi và bác sỹ Lê Hưng đều thống nhất không giới thiệu quy mô, không “khoe” cơ sở vật chất, không nói đến thành tích, không nói hay để khen… mà chỉ chia sẻ vì sao chỉ trong vòng vài năm bệnh viện Đống Đa lại đổi thay đến vậy.  
   
  Bác sỹ Lê Hưng bảo điều đầu tiên sau khi được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cách đây gần 5 năm đó là các thành viên Ban Giám đốc đều thống nhất sẽ thay đổi tư duy phục vụ người bệnh trong đội ngũ y, bác sỹ và người lao động. Đó là thay đổi tư duy từ “khám cho, chữa cho” người bệnh đến “khám phục vụ, chữa phục vụ” người bệnh. Người lao động ở bệnh viện Đống Đa coi người bệnh là “khách hàng” còn mình là “nhà cung cấp dịch vụ”. “Và như vậy người bệnh càng tin tưởng trình độ chuyên môn, càng vào khám, điều trị đông thì mình càng nhiều việc làm, thu nhập càng tăng…” - bác sỹ Lê Hưng nói.
   
   
Coi bệnh nhân là khách hàng, bệnh viện luôn chăm sóc tận tình. Ảnh: TL
   
  Tuy nhiên, theo anh Hưng, không phải ngay lập tức mọi chuyện đều dễ dàng thay đổi khi suy nghĩ đã ăn sâu vào mỗi người. Với những bác sỹ, nhân viên chưa thuận theo cách làm mới, lãnh đạo bệnh viện, các khoa phòng rồi cá nhân Viện trưởng trực tiếp gặp động viên, thuyết phục, tâm tình… để mọi người hiểu và làm theo. Để đến hôm nay, sau gần 5 năm đổi mới cả về cơ sở vật chất Bệnh viện đa khoa Đống Đa đang xóa đi hình ảnh, ấn tượng “sợ” mỗi khi vào khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến quận, huyện của người dân Thủ đô.
   
  Trả lời câu hỏi có phải “Giao ban người nhà bệnh nhân hàng tuần có phải là “đặc sản”, là bí quyết thành công của bệnh viện Đống Đa?”. Bác sỹ Lê Hưng cười hiền hậu: Không phải “đặc sản”, chẳng phải “bí quyết” nhưng đó đúng là một trong những điều làm nên thành công. Thông qua những buổi giao ban, qua góp ý của người nhà, lãnh đạo bệnh viện hiểu được những hạn chế của mình để điều chỉnh.
   
  “Nhưng có khi nào đó chỉ là những lời xã giao không thưa anh?” – Tôi hỏi. “Nếu bạn để ý, cứ cuối buổi chiều, tại cửa thanh toán ra viện của bệnh viện, lãnh đạo chúng tôi đều thay nhau đứng hỏi người nhà và bệnh nhân về độ hài lòng hay bức xúc. Lúc đó, khi đã ra viện rồi, người nhà thoải mái phê bình mà chẳng “sợ” gì nữa…” Rồi anh Hưng nói thêm: “Ở bệnh viện Đống Đa, chúng tôi không lấy khuyết điểm của mọi người ra để phê bình, kỷ luật… nếu đó là vi phạm lần đầu. ”  
   
  Thậm chí, theo bác sỹ Lê Hưng, Ban Giám đốc, Hội đồng Y khoa và Công đoàn bệnh viện luôn khuyến khích và khen thưởng đối với mỗi y tá, điều dưỡng viên, bác sỹ, nhân viên… nhận khuyết điểm. Giám đốc Lê Hưng bảo: “Những khuyết điểm đó được chúng tôi đem ra làm bài học rút kinh nghiệm để mỗi cá nhân và bệnh viện hoàn thiện mình hơn”…
   
Vĩ thanh 
   
  Nghe bác sỹ Hưng nói, trực tiếp trải nghiệm và nghe hàng chục bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tâm sự, cảm phục về sự tận tâm, thái độ phục vụ và cơ sở vật chất ở bệnh viện Đống Đa, phóng viên báo TN&MT tự thấy mình hạnh phúc khi người mẹ kính yêu của mình đã trải qua trận ốm “thập tử nhất sinh” ở bệnh viện này.
   
  Nói như lời của bác Nguyễn Hữu Cường, 72 tuổi ngụ tại số nhà 56, khu cân sư số 8, phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội thì: “Lần sau ốm, chắc chắn tôi lại chọn bệnh viện Đống Đa”.
   
  Bài & ảnh: Việt Hùng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Đống Đa: Khai khuyết điểm sẽ… được thưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO