Bệnh từ miệng mà ra

Thiên Trường| 23/06/2020 15:25

(TN&MT) - Dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra là lời nhắc nhở nghiêm túc, cần nâng cao ý thức về chuyện các món “độc lạ” từ các loài động vật hoang dã.

Một nghiên cứu mới được đăng trên trang bioRxiv do một nhóm các nhà khoa học thuộc Tổ chức WCS, Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, EcoHealth Alliance và Viện Một sức khỏe thuộc Đại học California, Davis thực hiện cho thấy, kết quả có tỷ lệ lớn vi rút Corona trên mẫu thu thập từ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) được buôn bán làm thực phẩm cho con người. Đáng ngại là tỷ lệ dương tính với vi rút Corona cũng tăng lên đáng kể khi các loài ĐVHD được vận chuyển từ tay các thương lái tới các khu chợ và sau cùng là chuyển tới các nhà hàng.

Thêm nhiều bằng chứng mới

Các tác giả cho rằng, tình trạng căng thẳng và dinh dưỡng kém góp phần làm suy giảm chức năng miễn dịch của các loài vật, dẫn tới việc gia tăng nguy cơ lây lan và phát tán vi rút Corona trong chuỗi cung ứng. Kết quả nghiên cứu trên các loài gặm nhấm cũng chỉ ra nguy cơ lây lan vi rút Corona tới những loài ĐVHD khác (cầy, tê tê) ở những nơi có số lượng lớn động vật bị thu gom, vận chuyển và nuôi nhốt.

Nói không với động vật hoang dã

Nghiên cứu này có sự tham gia và đóng góp công sức rất lớn của các đối tác tại Việt Nam, từ lấy mẫu tại thực địa cho tới xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và áp dụng các phương pháp khoa học quan trọng để hiểu và xác định được các mối đe dọa về bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người. Phương pháp chẩn đoán sử dụng kỹ thuật PCR (phản ứng chuỗi trùng hợp) là công cụ hiệu quả giúp phát hiện cả các vi rút đã biết và vi rút mới, đồng thời phát hiện được sự đồng nhiễm trên nhiều loài, nhiều mẫu và nhiều khu vực tiếp xúc khác nhau.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu tại 70 địa bàn ở Việt Nam và phát hiện sáu loại vi rút Corona đã biết. Mặc dù hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy các vi rút này là mối đe dọa với sức khỏe con người, tuy vậy, nghiên cứu này giúp nâng cao năng lực giám sát theo hướng tiếp cận Một Sức khỏe của Việt Nam nhằm phát hiện các vi rút mới nổi hoặc vi rút chưa từng được biết tới ở người, ĐVHD và động vật nuôi thông thường trong tương lai.

Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ dương tính với vi rút Corona khá cao trên chuột đồng được chế biến làm thực phẩm cho con người. Tỷ lệ dương tính tăng lên một cách đáng kể dọc theo chuỗi cung ứng từ thương lái (21%), tới các khu chợ (32%) và nhà hàng (56%). Tại 2/3 số trang trại ĐVHD và 6% số động vật gặm nhấm được nuôi ở trang trại ở các điểm tham gia vào nghiên cứu cũng cho kết quả vi rút Corona dương tính. Trên mẫu phân của loài gặm nhấm tại các trang trại gây nuôi ĐVHD cũng cho thấy có chung loại vi rút Corona như trên dơi và chim, điều này cho thấy có sự chia sẻ về cả môi trường sống và/hoặc lây lan vi rút giữa các loài. Từ mẫu của các loài động vật gặm nhấm được lấy từ môi trường sống tự nhiên cho kết quả vi rút corona ở khoảng 0 - 2 %.

Hệ lụy khi tàn phá thiên nhiên

Trong một diễn biến liên quan, các nhà lãnh đạo của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO  và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) International cảnh báo, các đại dịch như COVID-19 là kết quả của sự tàn phá thiên nhiên của loài người và thế giới đã phớt lờ thực tế khắc nghiệt này trong nhiều thập kỷ.

Báo cáo của WWF cho biết, 60 - 70% các bệnh mới xuất hiện ở người kể từ năm 1990 xuất phát từ động vật hoang dã. Cũng trong khoảng thời gian đó, 178 triệu ha rừng đã bị chặt phá, tương đương với hơn 7 lần diện tích của Vương quốc Anh.

Thực tế, vi rút là một phần không thể thiếu của môi trường tự nhiên. Không phải tất cả chúng đều là thứ khủng khiếp, kinh dị. Và không phải 100% các loại thịt hoang dã được tiêu thụ đều nguy hiểm. Bởi hầu hết vi rút đều chết sau khi vật chủ bị giết. Nhưng mầm bệnh có thể nhảy sang người trong quá trình bắt, vận chuyển, giết mổ. Đặc biệt, mầm bệnh càng có khả năng lây lan nếu vệ sinh kém hoặc không sử dụng thiết bị bảo vệ.

“Các chuỗi cung ứng ĐVHD và điều kiện tại mỗi mắt xích của chuỗi cung ứng làm gia tăng một cách đáng kể mức độ xuất hiện của vi rút Corona. Bên cạnh đó, chúng tôi đã ghi nhận được sự phơi nhiễm với vi rút Corona từ dơi và chim trên các loài gặm nhấm được nuôi tại các trang trại. Tỷ lệ xuất hiện và mức độ đa dạng của vi rút Corona, bên cạnh việc nuôi nhốt chung nhiều loài động vật mà chúng tôi quan sát được trong hoạt động buôn bán ĐVHD đang tạo ra cơ hội cho các chủng vi rút Corona kết hợp và lan rộng.”

Amanda Fine,

Giám đốc Chương trình Sức khỏe động vật hoang dã - Châu Á

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều căn bệnh xuất hiện trong nhiều năm qua, như Zika, Aids, Sars và Ebola và tất cả chúng đều có nguồn gốc từ quần thể động vật trong điều kiện áp lực môi trường nghiêm trọng”, Elizabeth Maruma Mrema, người đứng đầu Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học, Maria Neira, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới về môi trường và sức khỏe và Marco Lambertini, người đứng đầu WWF International cho biết.

Thế giới đã từng chứng kiến những đại dịch gây hoang mang như Cái Chết Đen - đã giết chết 1/3 dân số châu Âu trong thế kỷ 14 do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra; đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918; Ebola và cúm gà…

Không giống như bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt đã bị loại bỏ và gần như có thể phòng tránh, các bệnh từ động vật không thể bị xóa sổ hoàn toàn trừ khi chúng ta tiêu diệt được hết tất cả các loài là nguồn sản sinh ra các mầm bệnh này. Cụ thể, “Cái chết đen”, cúm Tây Ban Nha và HIV - ba đại dịch được cho là lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay, đều là các bệnh xuất phát từ động vật...

Trải qua hàng thiên niên kỷ gắn bó với các động vật hoang dã, cuối cùng chúng ta cũng bắt đầu hiểu được các kết nối vi sinh vật vô hình giữa con người và động vật. Chúng ta có thể không dự đoán được khi nào và đại dịch tiếp theo sẽ là gì, nhưng có một điều chúng ta biết rõ đó là mỗi người cần sẵn sàng dừng lại việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã để tránh làm bùng nổ nguy cơ gây đại dịch trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh từ miệng mà ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO