Bengaluru (Ấn Độ) cần 363 triệu USD khắc phục hệ thống thoát nước
(TN&MT) - Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank vừa công bố một báo cáo cho thấy bang Bengaluru của Ấn Độ có thể cần gần 28 tỷ rupee (tương đương 362,7 triệu USD) để khôi phục mạng lưới thoát nước bị hư hại do sự phát triển bất động sản nhanh chóng, trong bối cảnh lũ lụt xảy ra nhiều lần đe dọa làm gián đoạn công việc và cuộc sống tại bang, trung tâm về công nghệ thông tin.
Được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Ấn Độ với hơn 3.500 công ty công nghệ thông tin và công ty khởi nghiệp, thành phố Bengaluru đã chứng kiến hàng triệu công nhân đổ về và bùng nổ hoạt động xây dựng bất động sản trong hai thập kỷ qua.
Điều đó đã phải trả giá vì việc xây dựng bừa bãi xung quanh các hồ và trên các cống thoát nước mưa đã hạn chế khả năng hấp thụ và thoát nước của thành phố, dẫn đến lũ lụt chưa từng có xảy ra vào năm ngoái làm gián đoạn ngành công nghệ thông tin.
Theo báo cáo của Knight Frank, tỷ lệ diện tích xây dựng của thành phố tăng vọt lên 93% vào năm 2020 so với 37% vào năm 2002, gây "áp lực nghiêm trọng" lên hệ thống thoát nước tự nhiên dẫn nước vào các hồ liên thông của thành phố.
Báo cáo đưa ra dự đoán dân số sẽ tăng vọt lên 18 triệu vào năm 2031 so với ước tính 12,3 triệu vào năm 2022. Diện tích trong giới hạn thành phố đã tăng hơn gấp ba lần vào năm 2011 lên 741 km2 so với mức năm 1995.
Báo cáo cho biết thêm, do biến đổi khí hậu, lượng mưa trong thời gian ngắn, cường độ cao cũng đã xảy ra, làm tăng thêm nguy cơ lũ lụt trong thành phố trong bối cảnh cơ sở hạ tầng hạn chế để ngăn chặn tình hình tương tự xảy ra.
Ông Shantanu Mazumder, Giám đốc điều hành khu vực Bengaluru của Knight Frank India cho hay, lũ lụt này xảy ra hàng năm và điều đó có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư vào thị trường bất động sản. Tại một sự kiện gần đây do công ty Knight Frank tổ chức, ông Mazumder cho rằng dưới góc độ của người mua, chắc chắn họ sẽ do dự khi thấy vấn đề lũ lụt từng xảy ra tại khu vực họ đang có ý định đầu tư.
Dẫn ví dụ về Mumbai, báo cáo kêu gọi chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể để giảm ngập úng ở các khu vực dễ bị lũ lụt và đảm bảo dòng chảy tự do của nước mưa.