Theo đó, về cơ sở pháp lý để triển khai dự án, UBND tỉnh Bến Tre cho rằng trước đây, để thuận tiện cho việc nghiên cứu lập dự án, UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Đầu tư và xây dựng phát triển ATM (gọi tắt là Cty ATM) làm chủ đầu tư dự án Khôi phục và Nâng cấp sông Ba Lai đoạn ngã ba Giao Hòa - Chẹt Sậy đến cống đập Ba lai (Dự án), đến nay dự án đã được phê duyệt.
Để thực hiện các bước tiếp theo, UBND tỉnh Bến Tre giao cho Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh dự thảo quyết định ủy quyền để trình UBND tỉnh ký ban hành ủy quyền cho Sở NN&PTNT thay mặt UBND tỉnh ký hợp đồng với Cty ATM và quyết định thành lập tổ kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công thực hiện nạo vét. Đồng thời, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh quyết định chỉ định cho Cty ATM làm nhà đầu tư để ký hợp đồng với Sở NN&PTNT.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bến Tre cũng giao các Sở, ngành và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ hỗ trợ Sở NN&PTNT và Cty ATM sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành thi công nạo vét ngay sông Ba Lai để làm tăng thể tích nước và hoàn tất dự án cùng tiến độ với dự án Quản lý nước do JICA hỗ trợ…
Như Báo điện tử TN&MT đã thông tin, trước khi HĐND tỉnh Bến Tre ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai thực hiện dự án, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã lấy ý kiến phản biện xã hội. Về cơ bản, các thành viên Hội đồng phản biện đều cho rằng việc thực hiện dự án này là cần thiết trong tình hình hiện nay khi nước mặn thường xuyên xâm nhập sâu và tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dự án được thực hiện phù hợp với quy hoạch và nhu cầu phát triển hệ thống trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Tuy nhiên, các vấn đề về tính pháp lý để chỉ định thầu, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư, về giải pháp bảo vệ môi trường… đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre quan tâm, cân nhắc. Cụ thể, 13 điểm tập kết nạo vét với 130ha cần có biện pháp gia cố để không làm sạt lở bờ sông, không để nước bẩn chảy vào các ao nuôi tôm, cá, hồ trữ nước của dân... Đồng thời, cần có cấm mốc định vị bờ sông của các hộ có đất ven sông để làm cơ sở tính hỗ trợ nếu có xảy ra sạt lở.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre cũng có nhiều ý kiến lưu ý đến nhà đầu tư. Trong đó, cần làm rõ pháp lý để chỉ định Cty ATM làm chủ đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa. Với dự án nạo vét gần 20 triệu m3 đất, tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, có 50% là vốn của doanh nghiệp và 50% là vốn vay, vì vậy cần thẩm tra kỹ năng lực thi công, năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, về kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư, Hội đồng phản biện cho rằng đây là yêu cầu được pháp luật quy định, là một trong những nội dung phải được thẩm định nhằm đảm bảo chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án. Vì vậy, đề nghị bổ sung tài liệu nhà đầu tư theo quy định và tổ chức thẩm định nội dung này nếu chưa thực hiện.
Riêng về giải pháp bảo vệ môi trường đối với đất nạo vét, vấn đề này trong hồ sơ dự án có nêu “một phần đất nạo vét sẽ làm gạch không nung tại 03 cơ sở sản xuất gạch của nhà đầu tư…”. Hội đồng phản biện xét thấy hiện tại chưa có cơ sở để khẳng định nhà đầu tư sẽ thành lập 03 cơ sở sản xuất gạch, khi nào thành lập, nếu có thành lập thì đất nạo vét có đủ tiêu chuẩn để sản xuất được gạch không nung không...?