Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tới đây, tỉnh sẽ thí điểm giải pháp mềm để phòng, chống ở khu vực xói lở tại huyện Thạnh Phú. Bến Tre phối hợp với Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng thí điểm 800m xói lở tại xã Thạnh Phong và đồng ý cho Tập đoàn ACE Geosynthectics khảo sát thực tế tại huyện Thạnh Phú. Thông qua đó, Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng sẽ tài trợ 5 tỷ đồng cho công trình, Tập đoàn ACE Geosynthectics sẽ cung cấp thiết bị và vật tư thi công nếu được chọn thi công công trình trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Cao Văn Trọng, thời gian qua, tình trạng sạt lở tại tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng nhanh với cường độ cao. Sạt lở không chỉ xảy ra ở các vùng ven biển, ven sông lớn mà đã và đang xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, bờ biển Bến Tre đã bị sạt lở lấn sâu vào đất liền trung bình khoảng 10 - 15m/năm, làm mất hàng trăm ha đất, trong đó có hơn 55ha rừng phòng hộ bị thiệt hại. Sạt lở cũng gây ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhà ở, hoa màu và các công trình phục vụ dân sinh.
Ở khu vực ven biển, sạt lở xảy ra ngày càng nhanh, nghiêm trọng nhất là khu vực Cồn Ngoài thuộc xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri), cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú). Riêng khu vực nội đồng, tình hình sạt lở bờ sông cũng rất đáng quan tâm, nhất là khu vực cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách), cồn Thành Long và bờ sông Mỏ Cày thuộc huyện Mỏ Cày Nam, cùng một số khu vực trên địa bàn huyện Giồng Trôm và thành phố Bến Tre…
Được biết, mới đây Công ty CP Tân Đại Hưng đã lập dự án “Thử nghiệm giải pháp mềm bảo vệ bờ biển Khu di tích lịch sử bến tàu không số”, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Theo đó, dự án nghiên cứu thử nghiệm giải pháp mềm bằng các kết cấu địa chất kỹ thuật được nghiên cứu phù hợp với điều kiện của địa phương. Mục tiêu của dự án là bảo vệ 200m bờ biển khu vực cồn Bửng, xã Thạnh Hải, không sạt lở tiếp; đồng thời, gây bồi tạo ra bãi cát có thể tắm biển, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trước tháng 9 năm nay.