Bến Tre sẽ giảm tối đa tỷ lệ chôn lấp rác thải

Bạch Thanh (thực hiện)| 09/02/2023 10:11

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), bảo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt, có những hành động thiết thực trong phong trào phân loại CTRSH tại nguồn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Trịnh Minh Khôi (ảnh) - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre xung quanh nội dung này.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về thực trạng quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Ông Trịnh Minh Khôi:
Hiện nay, trên địa bàn Bến Tre, tổng khối lượng CTRSH phát sinh khoảng 1.000 tấn/ngày, tương đương hơn 360.000 tấn/năm. Tỷ lệ thu gom, xử lý tại các bãi chôn lấp và nhà máy xử lý rác thải tập trung khoảng 420 tấn/ngày, tương đương hơn 150.000 tấn/năm. Lượng CTRSH phát sinh tại đô thị khoảng 300 tấn/ngày,tỷ lệ được thu gom và xử lý tại cơ sở xử lý rác thải tập trung là 94%. Lượng CTRSH phát sinh tại nông thôn là hơn 700 tấn/ngày, tỷ lệ được thu gom và xử lý là 64%.

z4093012352447_83be8ca3fbda08a93617343070d8ba76.jpg
Ông Trịnh Minh Khôi  - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ phân loại CTRSH tại nguồn đạt gần 20%. Song, do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn việc thu gom, vận chuyển rác thải của tỉnh. Hiện, mô hình quản lý phổ biến mang tính riêng biệt từng địa phương, chưa có sự gắn kết, hợp tác cao để giải quyết vấn đề rác thải liên xã, liên huyện.
Hơn nữa, công nghệ xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, phần lớn các bãi rác vận hành chưa đúng quy trình nên còn tồn tại một số vấn đề về môi trường, đặc biệt là phát sinh mùi hôi. Một số bãi rác có đường giao thông đi vào không thuận tiện, làm tăng kinh phí vận chuyển và xử lý CTRSH.

PV: Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp, mô hình hay trong ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

Ông Trịnh Minh Khôi:

Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật của Trung ương, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre ban hành rất nhiều văn bản quy định, kế hoạch, chương trình về phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng trình và chờ thông qua thành viên UBND tỉnh 2 dự thảo về quy định liên quan đến CTRSH.
Cụ thể, Quy định quản lý rác thải sinh hoạt và Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt cấp tỉnh để chuẩn bị cho phương án kêu gọi đầu tư. Đây là những cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành triển khai các hành động giải quyết vấn đề về CTRSH nói chung và rác thải nhựa nói riêng trên địa bàn tỉnh.

thumbnail_a3.-dap-xe-tuyen-truyen.jpg
Đoàn viên, thanh niên Bến Tre đạp xe tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Bến Tre có nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn gắn với giảm thiểu rác thải nhựa đạt được một số kết quả khả quan, mang lại hiệu quả thiết thực như: mô hình Chợ dân sinh phân loại rác thải tại nguồn gắn với giảm rác thải nhựa do Sở Công Thương và Tỉnh đoàn tổ chức thực hiện.
Cùng với đó là mô hình Hố rác gia đình phân loại rác tại nguồn triển khai trên địa bàn các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú; hay mô hình phân loại rác thải tại nguồn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới triển khai tại các xã Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Đặc biệt là mô hình “Biến rác thải thành phân hữu cơ và phát triển vườn rau xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre phối hợp với Dự án Y tế Hà Lan tổ chức thực hiện tại hơn 600 hộ gia đình trên địa bàn TP. Bến Tre và huyện Châu Thành. Hiện nay, mặc dù Dự án này đã kết thúc nhưng mô hình trên vẫn tiếp tục được duy trì và sẽ nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới.

Hiện tại, Bến Tre đang tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề về nhà máy xử lý rác thải của tỉnh; đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức mô hình phân loại CTRSH tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh

PV: Tỉnh Bến Tre sẽ có những giải pháp nào để xử lý CTRSH trên địa bàn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trịnh Minh Khôi:
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI đã đặt ra các chỉ tiêu cho Sở TN&MT và ngành TN&MT đến năm 2025, tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị đạt trên 95%, tại khu vực nông thôn đạt 80% và tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%. Có thể nói, đây là nhiệm vụ chính trị khó khăn, tuy nhiên, Sở TN&MT Bến Tre đã rất nỗ lực triển khai có hiệu quả để đạt mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao công tác quản lý chất thải rắn nói chung và CTRSH nói riêng, Sở TN&MT Bến Tre sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp chiến lược như: Tham mưu UBND tỉnh Bến Tre ban hành các văn bản để hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trong đó có Quy định về quản lý CTRSH, bùn thải, chất thải rắn y tế...; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động về BVMT của tỉnh; xây dựng kế hoạch, từng bước triển khai có hiệu quả chương trình phân loại CTRSH tại nguồn; thúc đẩy giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải, trong đó có rác thải nhựa; tăng cường khả năng phân loại, tái chế, tái sử dụng và ủ phân compost nhằm giảm tối đa lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp trực tiếp; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 30%.

Đồng thời, Sở TN&MT Bến Tre cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương mở rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các bãi chôn lấp rác tự phát; từng bước xóa bỏ các bãi rác cấp xã, bãi rác tạm và thay vào đó là đầu tư xây dựng điểm tập kết, trạm trung chuyển rác đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre sẽ giảm tối đa tỷ lệ chôn lấp rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO