Đất đai

Bến Tre: Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai

Bạch Thanh 25/01/2024 - 10:03

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung nhiệm vụ quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, minh bạch. Chính vì vậy, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Tác động tích cực, hiệu quả

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở TN&MT Bến Tre, thời gian qua, mặc dù trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, góp phần phục hồi nền kinh tế địa phương. Trong đó, Bến Tre chú trọng việc rà roát quỹ đất công, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều được xây dựng trên cơ sở nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, quy hoạch nông thôn mới...

4b.jpg
Tỉnh Bến Tre tổ chức lại sản xuất để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế đất đai

Cùng với đó, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng được thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để triển khai dự án của các nhà đầu tư. Tính đến nay, trên địa bàn Bến Tre có tổng số 4.024 thửa đất cần xác lập pháp lý với diện tích gần 9.361 ha, tỉnh đã xác lập pháp lý được 3.744 thửa với diện tích 9.290ha, đạt tỉ lệ trên 99%, và các thửa đất xác lập pháp lý này đã được đăng ký đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định.

Trao đổi với phóng viên về công tác quản lý nhà nước về đất đai tác động tích cực đến các vấn đề xã hội, ông Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, trong những năm qua, từ chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do nhà nước thu hồi đất đã góp phần ổn định đời sống hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân, thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Đồng thời, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ, gia đình đời sống khó khăn đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình "xóa đói, giảm nghèo". Chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất và chính sách miễn, giảm các loại thuế liên quan đến đất đai cho các hộ nghèo, người có công... cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và thực hiện tốt chính sách "đền ơn đáp nghĩa".

Về công tác quản lý đất đai trên địa bàn trong thời gian tới, ông Trần Quang Minh cho hay, Bến Tre sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về đất đai, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về chuyển mục đích cho tổ chức, cá nhân được biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với tình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân.

Chuyển đổi sản xuất phù hợp

Là địa phương ven biển cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt, nên tỉnh Bến Tre luôn chịu ảnh hưởng năng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trước thực trạng này, người dân nơi đây đã biết phát huy lợi thế đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp và mang lại hiệu quả tích cực, thu nhập và đời sống của người dân từng bước ổn định và ngày càng nâng lên rõ rệt.

4a.jpg

Điển hình như, ông Văn Lộc Dũng ở huyện Ba Tri có gần 1ha đất làm muối. Qua thời gian tìm tòi học hỏi, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ muối nền đất sang sản xuất muối trải bạt và cho năng suất tương đối cao. Vụ mùa vừa rồi, ông Dũng thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ thu hoạch muối sạch, cao hơn so với việc sản xuất muối thông thường. Ngoài ra, nghề sản xuất muối nơi đây chỉ làm được vào mùa khô, còn mùa mưa ông cũng đã tận dụng phần đất này để luân canh nuôi cá, nuôi tôm, cũng góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Trong khi đó, hiện nay, nhiều bà con nông dân ở huyện Thạnh Phú đã và đang từng bước nhân rộng mô hình sản xuất lúa - tôm. Đây là mô hình luân canh khép kín, áp dụng với mục đích sử dụng đất và nước thuận theo môi trường tự nhiên và canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Mô hình này phát huy hiệu quả cao và thích ứng với điều kiện tự nhiên của địa phương. Qua đánh giá, cứ trung bình 1ha nông dân thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, sản phẩm lúa và thủy sản đều sạch, chất lượng cao nên thị trường tiêu thụ rất mạnh.

Ông Trần Văn Lâm - Trưởng phòng TN&MT huyện Ba Tri chia sẻ, là địa phương ven biển, trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm do biến đổi khí hậu và diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún, huyện đã thúc đẩy liên kết hình thành cánh đồng mẫu trồng lúa, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, xây dựng chuỗi giá trị thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giúp người nông dân tăng năng suất, ổn định giá cả đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Song song đó, địa phương chú trọng đến quy hoạch sử dụng đất nhằm phân vùng sử dụng đất phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Từ quy hoạch này, huyện sẽ có kế hoạch hình thành vùng chuyên canh cây dừa, vùng chuyên canh trồng lúa, vùng chuyên canh nuôi thủy sản và làm muối. Qua đó giúp người sử dụng đất có cách nhìn đúng đắn, để lựa chọn hình thức sản xuất, kinh doanh phù hợp, phát triển bền vững.

Theo ngành nông nghiệp Bến Tre, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả với diện tích trên 5.200ha. Đây là chủ trương nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để khai thác những tiềm năng, phát huy lợi thế đất đai của địa phương. Đồng thời, để thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO