Bến Tre: Nhiều nhiệm vụ trọng tâm phát triển tỉnh về hướng Đông

Bạch Thanh| 30/12/2021 18:59

(TN&MT) - Thời gian tới, tỉnh Bến Tre đặt trọng tâm phát triển về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm và đột phá của tỉnh. Mục tiêu phát triển Bến Tre về hướng Đông là phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, trong đó kinh tế biển là trọng tâm gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái... 

Xây dựng các tuyến đê bao bảo vệ bờ biển Bến Tre

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Tỉnh Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long với chiều dài bờ biển trên 65km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000km2 đã tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, Bến Tre đã tận dụng và khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế khu vực biển, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả tỉnh, nhất là trên lĩnh vực thủy sản, du lịch. Tuy vậy, nhìn tổng thể, kinh tế biển và vùng ven biển tỉnh Bến Tre có tiềm năng nhưng chưa được phát huy đúng mức; thiếu nguồn lực để tạo động lực tăng trưởng, quy mô kinh tế còn nhỏ, chưa thật sự tạo động lực tăng trưởng có tính quyết định đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững và lâu dài. 

Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, trong bối cảnh hiện nay, phát triển Bến Tre về hướng Đông là tất yếu, tạo động lực mới, không gian phát triển mới và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ nước ta; đặc biệt gắn kết liên vùng qua tuyến hành lang kinh tế ven biển, ứng phó hiệu quả BĐKH của Bến Tre và vùng ĐBSCL.

Bến Tre thu hút đầu tư các dự án công trình điện gió ven biển

“Với mục tiêu "phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre", trong giai đoạn mới, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030; đặc biệt, định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để Bến Tre phát triển nhanh và bền vững” - ông Nguyễn Trúc Sơn cho hay. 

Cũng theo Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh Bến Tre đã xác định những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Bến Tre sẽ tập trung hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối, gắn với định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông, trọng tâm là kinh tế biển, liên kết vùng và chủ động thích ứng với BĐKH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. 

Đồng thời, tỉnh Bến Tre sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trọng tâm là tập trung triển khai đầu tư, hoàn chỉnh các công trình trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông từ TP.HCM qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng nhằm mở rộng không gian phát triển mới, tạo động lực đột phá cho phát triển tỉnh Bến Tre, nhất là tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng kinh tế biển.

Bến Tre nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng kinh tế biển

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng sẽ tích cực vận động sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập Đề án quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre, làm cơ sở xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế ven biển nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các công trình trọng điểm, then chốt, có tính lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre.

Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện gió, điện mặt trời ở những vùng đất sản xuất kém hiệu quả để thu hút doanh nghiệp đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện gió đã được cấp phép; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch; khuyến khích, có chính sách cho thuê tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái; tập trung rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường thích ứng với BĐKH; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre đến năm 2025.

Tập trung đầu tư phát triển du lịch các huyện ven biển Bến Tre

Ông Nguyễn Trúc Sơn cũng cho rằng: Tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái; hoàn thiện và đưa vào khai thác Khu công nghiệp Phú Thuận; hình thành các khu, cụm công nghiệp dọc tuyến đường ven biển; đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ven biển, các điểm dân cư nông thôn tập trung; thu hút đầu tư các chợ, trung tâm thương mại tại các thị trấn, thị tứ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị theo quy hoạch tại các vùng ven biển; tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch 3 huyện ven biển; tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch không gian biển. 

Đồng thời, bên cạnh việc tăng cường liên kết với các tỉnh trong Tiểu vùng để triển khai các hoạt động đã ký kết, tỉnh Bến Tre cũng tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của từng địa phương, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thủy/bộ, logistics, du lịch, năng lượng sạch, chế biến thủy sản, khai thác cảng biển… 

“UBND tỉnh Bến Tre tích cực và chủ động tham gia các hoạt động liên kết vùng ĐBSCL với vai trò là thành viên Hội đồng điều phối vùng, nhằm góp phần cùng với các địa phương phát triển vùng ĐBSCL trở thành khu vực năng động và thịnh vượng trong thời gian tới”. Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Nhiều nhiệm vụ trọng tâm phát triển tỉnh về hướng Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO