Bến Tre: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm

Bạch Thanh - Trương Hùng| 29/09/2022 15:27

(TN&MT) - Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre vừa chủ trì Hội nghị để nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; các chương trình, dự án kinh tế - xã hội quan trọng năm 2022; các chương trình mục tiêu quốc gia; và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

h1.png
Toàn cảnh Hội nghị báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm tỉnh Bến Tre

Đạt kết quả khả quan bước đầu

Qua báo cáo cho thấy, tổng kế hoạch vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước do tỉnh Bến Tre quản lý năm 2022 là 4.617,2 tỷ đồng; tổng mức giải ngân các nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch đến ngày 26/9/2022 là 2.091,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,31% so với kế hoạch.

Về tình hình triển khai thực hiện 11 công trình, dự án trọng điểm, đến nay, các công trình, dự án đang được triển khai thực hiện theo tiến độ kế hoạch đề ra. Trong đó, có những công trình, dự án có tiến độ triển khai khá tốt, như việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển 4.000ha tôm công nghệ cao đến năm 2025, tập trung ở 3 huyện ven biển đến nay đạt tiến độ khả quan, đã phát triển 2.446/4.000ha, đạt 61,15% so với mục tiêu kế hoạch.

Các dự án phát triển 500ha đô thị TP. Bến Tre và các huyện cũng đang tiến triển khá thuận lợi. Trong 7 dự án trọng điểm về đô thị với tổng diện tích khoảng 741,86ha có 3 dự án đã xác định được nhà đầu tư và đang tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Về phát triển 1.500MW điện gió, hiện có 15 dự án đã triển khai thi công với tổng công suất 847MW. Tính đến nay có 05 dự án Nhà máy điện gió được vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất là 93,05MW.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều công trình, dự án triển khai khá chậm với nhiều nguyên nhân. Trong đó, khó khăn phát sinh trong hai năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch thực hiện các công trình, dự án trọng điểm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; việc hụt thu ngân sách ảnh hưởng đến một số hạng mục dự án, và những khó khăn, vướng mắc khác do thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng của các dự án cũng gặp một số khó khăn về nguồn vốn, tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án chậm so với kế hoạch do vướng các thủ tục trong công tác thu hồi đất, xác định hệ số điều chỉnh giá đất, các thỏa thuận để áp giá đền bù với người dân, các phát sinh khác trong quá trình thực hiện.

h2(1).jpg
Bến Tre tập trung xây dựng các dự án phát triển đô thị

Tập trung tháo gỡ, kêu gọi đầu tư

Nêu ý kiến đối với các dự án phát triển 500ha đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh: "Hiện nay, tỉnh Bến Tre ưu tiên trước hết cho các huyện để tăng tỷ lệ đô thị hóa, kế đến là TP. Bến Tre để xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại I trước năm 2030. Quy trình thủ tục đầu tư dự án đô thị rất nhiêu khê và khó khăn, cho nên cần phải hết sức kiên trì, đồng thuận, đồng lòng để thực hiện.

Quá trình triển khai thực hiện cũng cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm; phải vạch rõ dự án nào làm trước, dự án nào làm sau, vùng nào trước, vùng nào sau. Dự án nào đủ điều kiện, khả thi nhất thì xúc tiến cho đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện trước".

Liên quan KCN Phú Thuận, ông Nguyễn Trúc Sơn đề nghị các ngành, địa phương cần tập trung cao; phải có tiêu chí rõ ràng để tuyển chọn các dự án đầu tư vào KCN này để nâng chất lượng đầu tư. Vì vậy, cần khẩn trương thực hiện việc soạn thảo Bộ tiêu chí thu hút đầu tư.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề nghị các Ban QLDA và các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án để đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh lên mức cao hơn. Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiến độ giải ngân cho các dự án.

Đối với các dự án phát triển 500ha đô thị, ông Trần Ngọc Tam cho rằng chưa bao giờ tỉnh Bến Tre có nhiều dự án đô thị được cấp chủ trương đầu tư như hiện nay, với gần 40 dự án, diện tích hơn 2.000ha. Vấn đề quan trọng là làm sao để thực hiện được 500ha trong hơn 2.000ha đó.

Điểm lại từng dự án đã được phê duyệt, cấp phép đầu tư, phân tích khả năng của từng dự án, ông Trần Ngọc Tam đề nghị các ngành, địa phương phải nghiên cứu thật kỹ, tuyển chọn các dự án nào có khả năng thực hiện tốt nhất để ưu tiên triển khai thực hiện trước. Và thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện đồng thời tất cả các dự án phát triển đô thị, thường xuyên thực hiện các dự án đô thị chứ không riêng 500ha như hiện nay.

Đối với đề án phát triển 4.000ha tôm công nghệ cao, ông Trần Ngọc Tam cho rằng tiến độ phát triển đến nay theo báo cáo là rất tốt. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là giá trị thu được từ các diện tích phát triển đó, mức đóng góp cho ngân sách chưa nhiều, do thiếu nhà máy chế biến tại chỗ. Vì vậy, ông Trần Ngọc Tam đề nghị các ngành, địa phương quan tâm kêu gọi đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến để tạo thêm giá trị cho tôm công nghệ cao.

h3.jpg
TP. Bến Tre hướng đến thành phố đạt chuẩn đô thị loại I

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; bám vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Các Ban QLDA, các huyện, thành phố, các sở ngành được phân bổ vốn địa phương và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương thực hiện theo tiến độ kế hoạch đề ra. Riêng với nguồn vốn ODA, các đơn vị liên quan rà soát kỹ, nỗ lực giải ngân ở mức tối đa, đảm bảo thực hiện đúng theo các chỉ tiêu đã cam kết.

Đối với hệ thống thủy lợi và hệ thống cấp nước chính của tỉnh, ông Lê Đức Thọ đề nghị Ban QLDA NN&PTNT tiếp tục bám sát, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cống đang thi công; quan tâm thêm các công trình đê ven sông, đê biển, hệ thống các hồ chứa nước ngọt, các dự án cấp nước chính của tỉnh; đặc biệt là dự án cấp nước thô từ Cái Bè, tỉnh Tiền Giang dẫn về tỉnh.

Về phát triển 4.000ha tôm công nghệ cao, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị các ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi; quan tâm thu hút đầu tư công nghiệp chế biến,… Về điện gió phải thực hiện cho được mục tiêu 1.500MW, phải bám sát vào kế hoạch, quy hoạch, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án điện gió đã được cấp phép. Chú ý quy hoạch phát triển điện gió trên vùng biển ngoài khơi của tỉnh, chú trọng quy hoạch điện gió phải hài hòa với quy hoạch lấn biển và phải đặt trong tổng thể quy hoạch chung của tỉnh.

Đối với KCN Phú Thuận, khẩn trương xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí thu hút đầu tư; bảo đảm đồng bộ các tiêu chí về xử lý môi trường. Quan tâm giá thành, điều kiện về giao thông để tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Với tuyến đường động lực ven biển, UBND tỉnh, các ngành chuyên môn dành thời gian nhiều hơn và thúc đẩy mạnh hơn; cần linh hoạt, uyển chuyển tùy theo tình hình thực tế để thực hiện.

Còn với Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách và Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách, ông Lê Đức Thọ đề nghị huyện Chợ Lách phối hợp với Sở VH-TT&DL và Sở NN&PTNT tham mưu, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Khẩn trương xúc tiến mời gọi nhà đầu tư; xác định rõ hạng mục nào Nhà nước làm, hạng mục nào mời gọi đầu tư.

Riêng việc phát triển 5.000 doanh nghiệp và 100 doanh nghiệp dẫn đầu, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị các ngành tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng, phát triển một số doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp khởi nghiệp, lấy đó làm nòng cốt để nhân ra. Hiện nay, tỉnh Bến Tre có hơn 50.000 hộ sản xuất, kinh doanh, một tiềm năng lớn để phát triển doanh nghiệp, vì vậy phải có giải pháp để vận động chuyển đổi một bộ phận các hộ kinh doanh đó lên doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO