Bến Tre: Bàn giải pháp về quản lý, xử lý rác thải

Bạch Thanh| 11/09/2019 12:56

(TN&MT) - Chiều 10/9, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đến dự và cùng chủ trì Hội nghị.

H1
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu Đại học Quốc gia TP.HCM về vấn đề xử lý rác thải

Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp về quản lý rác thải lần này còn có sự tham dự của đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre; đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM; lãnh đạo các đoàn thể chính trị trong tỉnh; các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan. Riêng tại cầu trực tuyến cấp huyện, gồm: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo các ngành, đòan thể huyện và lãnh đạo UBND các cấp xã.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến tre cho biết: Hiện nay, với lượng rác sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý khoảng 234 tấn/ngày, đạt tỷ lệ khoảng 75%; trong đó có rác thải nhựa, nilon lẫn vào khoảng 14 tấn/ngày. Nhiều nơi ở các khu công cộng, đường phố, công viên, chợ, các khu du lịch, ven biển,… đều có rác thải nilon, nhựa thải bỏ gây mất mỹ quan. Ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) của người dân về rác thải, phân loại, bỏ rác đúng nơi quy định chưa tốt.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được BVMT trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý); rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển rác không đảm bảo kỹ thuật gây mất vệ sinh; hầu hết các bãi chôn lấp rác đều quá tải, gây ô nhiễm; không còn quỹ đất để tiếp tục quy hoạch chôn lấp rác với lượng rác phát sinh ngày một tăng; chưa áp dụng được công nghệ xử lý rác đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xử lý rác thải chưa hiệu quả...

Qua đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác định, nếu không có biện pháp hiệu quả và tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì vấn đề ô nhiễm rác thải sẽ tầm trọng hơn, trong tương lai tỉnh sẽ không hoàn thành được mục tiêu phát triển bền vững. Bởi thế, để giải quyết các vấn đề môi trường về chất thải rắn sinh hoạt, UBND tỉnh Bến Tre ban hành "Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre" làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện và triển khai các nhiệm vụ, dự án ưu tiên để tăng cường công tác quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định pháp luật.

H2
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề trọng tâm như: Kế hoạch hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa; Dự thảo Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo chuyên đề công tác quy hoạch quản lý chất thải rắng trên địa bàn tỉnh và tình hình triển khai Dự án Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Bến Tre; Kế hoạch tuyên truyền và nâng cao nhận thức BVMT về chất thải rắn sinh hoạt cho tỉnh Bến Tre…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đề nghị, sau Hội nghị, tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh Bến Tre cùng hành động, triển khai các hoạt động cụ thể để tạo ra sự chuyển biến trong vấn đề giải quyết rác thải. Làm thế nào để thấy được tỷ lệ kết quả xử lý rác tăng lên như là một thước đo hiệu quả của hành động thực tế.

Cụ thể, ông Phan Văn Mãi yêu cầu UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các ngành chức năng ban hành khung quy chuẩn phân loại xử lý rác; trao đổi với các cơ quan, đơn vị, chuyên gia để có cập nhật tình hình rác và tính toán chiến lược xử lý rác hiệu quả và tiên tiến. Đồng thời, lưu ý cả hệ thống chính trị phải hành động ngay, đồng bộ, quyết liệt và cần nhận thức và đầu tư đúng mức cho môi trường, cụ thể hóa cơ chế để xử lý rác đạt hiệu quả.

Đối với MTTQ và các ngành đoàn thể thì cần tập trung vận động hội viên và quần chúng thực hiện mô hình, cách làm cụ thể hơn. Làm thế nào để 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh phải giải quyết, quyết tâm không có điểm đen ô nhiễm môi trường do rác thải; các hộ dân có điều kiện nên có hố rác, phân loại và xử lý rác đúng kỹ thuật.

Riêng với ngành giáo dục thì cần tổ chức triển khai và kiên trì 100% trường học có chương trình về rác, xây dựng mô hình nhà trường thân thiện, nâng cao ý thức và hành động của các em học sinh về BVMT; trong đó, các cấp học từ mẫu giáo đến cao đẳng, mỗi trường phải có mô hình xử lý và phân loại rác.

“Ngay bây giờ, nên tăng cường nguồn lực đầu tư và đồng thời xã hội hóa để đáp ứng cho nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Phấn đấu cuối năm 2020, tỉnh Bến Tre phải hoàn thiện và vận hành có hiệu quả chuỗi phân loại và xử lý để tái chế, mỗi hộ dân thực hiện tốt việc phân loại và xử lý rác tại nguồn. Để từ đó, biến rác thải trở thành phân, thành điện, thành tiền” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Bàn giải pháp về quản lý, xử lý rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO