Nhận xét về phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thống kê: Trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường đã có 60 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 13 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng các bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham gia phát biểu giải trình để cung cấp thêm một số vấn đề có liên quan, do thời gian có hạn còn 21 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu, đề nghị các vị đại biểu gửi ý kiến đã chuẩn bị về Ban Thư ký của Quốc hội để tổng hợp.
“Nhìn chung không khí các phiên thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng, nội dung ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, mang tính phản biện cao, bao quát trên các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và tư pháp” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với các nội dung và đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Kiểm toán nhà nước. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của hệ thống chính trị trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.
Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội khái quát: Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Các đại biểu đều đánh giá rằng năm 2017 là năm thành công khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 8/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch và tăng thêm 3 chỉ tiêu so với số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế đã ấn tượng đạt 6,81% vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra 6,7% cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Nhiều lĩnh vực thế mạnh đã tăng trưởng khá và đóng góp vào sự phát triển chung như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, xuất khẩu, chế biến và chế tạo.
Kinh thế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tương đối tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách được tăng cường, bội chi và nợ công đã được quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn. Các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội đều đạt và vượt cho thấy chính sách cho người có công được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, độc lập chủ quyền quốc gia được bảo vệ, công tác đối ngoại chủ động, hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu còn phân tích và làm rõ thêm những khó khăn, tồn tại như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự vững chắc, chuyển đổi mô hình kinh tế đã có chuyển biến song chưa thật rõ nét, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, độ mở của nền kinh tế rất lớn cần được kiểm soát trong điều kiện xuất hiện tình trạng bảo hộ kinh tế của một số quốc gia. Kinh tế vĩ mô ổn định song chưa thực sự vững chắc, môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ. Công tác quản lý tài sản công, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo, việc sử dụng tài nguyên, đất đai còn nhiều lãng phí. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản còn xảy ra.
Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến cải cách hành chính, cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Các đại biểu đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Chính phủ và chính quyền các cấp, tinh gọn bộ máy và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.
Về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình 4 tháng đầu năm với nhiều khởi sắc. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm 2018 ước đạt 7,38% là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây, với đà này có thể đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm. Đây là kết quả từ nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương vào sự cố gắng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ngay từ đầu năm.
Có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát làm rõ các yếu tố chất lượng tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện hạn chế kinh doanh không cần thiết, có giải pháp để tăng hiệu quả đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng tình hình sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản từ nay đến cuối năm đối mặt với nhiều khó khăn, do đó đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp chủ động ứng phó thị trường hữu hiệu, hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản để khắc phục các khó khăn này. Sớm có chính sách mới về hạn điền và quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chú ý đến vấn đề môi trường, xâm nhập mặn, sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Bắc và Tây Nguyên.
Có ý kiến cho rằng giá trị gia tăng sản phẩm ở một số ngành công nghiệp tăng, nhất là lĩnh vực gia công lắp ráp tăng trưởng cao, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, song còn ở phân khúc thấp. Các ý kiến cho rằng vấn đề xuống cấp của đạo đức, văn hóa đáng báo động với tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng được lưu hành, thu lợi bất chính từ sự đau khổ của người bệnh, về một số hiện tượng ứng xử chưa hợp đạo lý trong môi trường giáo dục, về bạo hành và xâm hại trẻ em.
Các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề lao động và việc làm của học sinh, sinh viên mới ra trường, vấn đề đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, công tác xóa đói, giảm nghèo, điều kiện sinh hoạt, thu nhập của bộ phận không nhỏ người lao động còn nhiều khó khăn, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp. Tình trạng ô nhiễm nước thải, rác thải, cháy rừng, buôn lậu gỗ, phân bón giả còn diễn biến phức tạp. Vấn đề tai nạn giao thông, chất lượng quản lý và công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm cho nhân dân lo lắng, các đại biểu mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến thống nhất các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 như báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý, tập trung chỉ đạo triển khai các công trình quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cải cách hành chính, thuế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nông dân, ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm chính sách cho người có công, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Chính phủ trình đã đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn, các đại biểu đều đánh giá cao và thống nhất về kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Kiểm toán nhà nước, cũng như nhiều vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách.
Qua quyết toán ngân sách cho thấy, mặc dù quản lý ngân sách nhà nước năm 2016 đã có nhiều bước tiến bộ, song cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn những tồn tại, yếu kém xảy ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành và địa phương. Việc chấp hành kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát lãng phí, nợ đọng, giải ngân chậm, ứng trước, chuyển nguồn còn lớn và hiệu quả đầu tư chưa cao. Các đại biểu yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường quản lý tài sản công, tài chính công…
“Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận hôm nay đã được Ban Thư ký tổng hợp và phản ánh đầy đủ, sẽ chuyển cho Chính phủ tiếp tục tiếp thu và tổ chức chỉ đạo thực hiện” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.