Phiên bế mạc Đại hội Biển Đông Á lần 5 thành công tốt đẹp |
Trình bày tại phiên bế mạc Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, chủ tọa phiên thảo luận “Một thập kỷ quan hệ đối tác phát triển các biển Đông Á - nhiệm vụ và thành tựu” cho biết: Thông qua các phiên thảo luận đã đưa các kết luận và khuyến nghị: Thứ nhất, các công cụ quốc tế của liên hợp quốc về luật biển, các công ước bảo vệ môi trường biển… cùng với các văn kiện khác đóng vai trò như là các nguyên tắc chính để hướng dẫn thực hiện và triển khai sách đại dương tại quy mô khu vực và quốc gia. Thứ hai, mở rộng QLTHVB biển và cải thiện quản trị đại dương và vùng bờ biển là cần thiết để thích ứng với BĐKH và quản lý giảm thiểu rủi ro thảm họa. Tích hợp và thể chế hóa thích ứng với BĐKH và quản lý giảm nhẹ rủi ro thảm họa vào khung QLTHVB ở các quốc gia và tăng cường hợp tác là cần thiết. Thứ 3, chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á 2015 cung cấp một khung và hạ tầng thích hợp để triển khai thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực , tăng cường nội lực điều phối trong chương trình quốc gia và khu vực. Cuối cùng, nâng quan hệ đối tác phát huy hiệu quả trong việc triển khai thỏa thuận, bao gồm sự hợp tác giữa các ngành để thích ứng BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Trên cơ sở các kết luận trên, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đưa ra khuyến nghị: Thứ nhất cần xây dựng và áp dụng các cơ chế để phê chuẩn và triển khai các công cụ quốc tế như công ước về BĐKH 2015 - 2030; Thứ hai là thể chế hóa các cam kết quốc tế và các chiến lược cũng như các chương trình hành động khu vực như mục tiêu phát triển bền vững các biển Đông Á, các chiến lược hành động quốc gia, phê chuẩn các chiến lược chính sách; Thứ ba là tăng cường hợp tác với các chương trình hệ sinh thái biển hệ quy mô lớn tránh chồng chéo, trùng chéo, đảm bảo sự hợp lực và cải thiện hiệu quả đầu tư bao gồm cả nghiên cứu khoa học, chia sẻ thông tin. Thứ tư là các quốc gia cần xây dựng và áp dụng các cơ chế, thể chế pháp luật một cách tổng hợp các chính sách, chương trình hành động tại quy mô địa phương và quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại phiên bế mạc |
GS Wong Poh Poh (Hàn Quốc) chủ tọa phiên họp thứ 2 và TS Chan Yue chủ tọa phiên họp thứ 3 cũng lần lượt trình bày các kết luận và khuyến nghị. Các kết luận và khuyến nghị đều khẳng định QLTHVB là một cơ chế quản lý vùng biển hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, để thực hành tốt trước hết các quốc gia cần phải có môt tầm nhìn để định hướng triển khai, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan, của Chính phủ và khu vực tư nhân đặc biêt là vai trò của cộng đồng. “Cộng đồng dân cư địa phương chính là những người cung cấp cho chúng ta những kiến thức truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, đồng thời là những người sẽ thực thi hiệu quả chiến lược bảo vệ môi trường vùng bờ biển” - GS Wong Poh Poh nói.
Ngoài ra, các quốc gia, khu vực cũng cần phải xây dựng cẩm nang hướng dẫn hành động cho người dân; Thiết lập được cơ chế để quản lý nguồn quỹ; Lồng ghép ICM vào quản lý tài nguyên nước, lưu vực sông, ven bờ và trong đất liền… là những khuyến nghị quan trọng được các đại biểu đưa ra sau các phiên thảo luận nhằm góp phần quản lý tổng hợp vùng bờ và đại dương một cách hiệu quả.
Sau phiên trình bày của các chủ tọa, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường các nước: Việt Nam, Campuchia, Philipin cùng các bên liên quan tham gia thảo luận những nội dung như: Xây dựng một nền kinh tế biển và vùng bờ bền vững - cơ hội tại mỗi địa phương; Sử dụng bền vững các tài nguyên biển và vùng bờ khác nhau; Ô nhiễm biển đối với thách thức xây dựng nền kinh tế xanh.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cũng chia sẻ, thực tế tại Việt Nam cho thấy chất lượng môi trường nước biển đã tác động rất xấu tới các nguồn tài nguyên, và qua đó tới sự phát triển. Môi trường biển trong sạch là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất để phát triển du lịch biển, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ các hệ sinh thái biển quan trọng. Hiện tượng thủy triều đỏ, thủy triều đen đã tác động xấu tới du lịch biển, thậm chí làm tôm, cá, nghêu, sò tại các khu vực nuôi trồng hải sản chết hàng loạt. Các rạn san hô, thảm cỏ biển tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất mạnh bởi sự gia tăng dưỡng chất và các tạp chất lơ lửng trong nước. Chính sự suy thoái các sinh cảnh quan trọng, sự suy giảm môi trường nước gây những khó khăn rất lớn tới phát triển hai ngành kinh tế biển quan trọng nhất của nền kinh tế xanh Việt Nam, đó là du lịch và nuôi trồng, đánh bắt hải sản.
“Như ta đã biết, biển là một môi trường liên tục và do vậy ô nhiễm biển có thể lan truyền trên diện rộng. Do vậy, để hạn chế những tác hại của ô nhiễm môi trường biển, cần phải giải quyết vấn đề theo cách tiếp cận toàn diện, tổng thể. Phải phối hợp, quản lý tốt các nguồn thải từ lưu vực sông, từ bờ, trên biển và từ các khu vực khác, thậm chí từ các quốc gia khác. Vì vậy, quản lý dưỡng chất và ngăn chặn gia tăng phú dưỡng, suy giảm oxy tại các khu vực ven biển cần phải có sự hợp tác của các chính quyền địa phương, các quốc gia ven biển. Để kiểm soát tốt rác thải nhựa và các chất thải rắn khó phân hủy, cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ chính quyền để đảm bảo không xả những loại rác thải nguy hiểm như nêu ở trên ra biển” - Thứ trưởng. Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.
Lễ trao cờ Đại hội Biển Đông Á |
Tại phiên bế mạc, đại diện Việt Nam đã trao cờ Đại hội Biển Đông Á cho Campuchia - là quốc gia sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Biển Đông Á và Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 6 vào năm 2018.
T.Hải - L. Anh - X. Lam