Dường như, trong dòng chảy hối hả, gấp gáp của cuộc sống đô thị hôm nay, đang có điều gì đó chưa ổn, còn thiếu quá nhiều điều để chúng ta tạo dựng một đô thị văn minh, hiện đại.
Thực tế cho thấy, với cách tổ chức sống tại các đô thị lớn của Việt Nam như hiện nay, các cư dân đô thị ngày càng phải đối mặt với nhiều bất trắc hơn. Đô thị ngày một mở rộng.
Các dự án lớn cũng nhiều hơn. Một con đường mở ra, thế là làng thành phố, nhà giữa làng nay thành nhà mặt phố. Người thôn xóm nay cũng thành người phố. Có điều kiện phát triển, đời sống vật chất cũng tốt hơn. Nhưng dường như, các thói quen ứng xử vẫn chưa thể thay đổi. Thế nên, chúng ta không khó bắt gặp những chiếc xe ba bánh, xích lô cồng kềnh giăng hàng giữa phố. Chúng ta vẫn không thể quên những cái chết bất thình lình rơi xuống giữa đô thị từ những công trình xây dựng hay những chiếc xe ô tô đắt tiền.
Nhiều công trình nghiên cứu gần đây đưa ra nhận xét xác đáng: Đô thị Việt Nam chỉ là loại hình liên làng và siêu làng. Trong đó, người dân vẫn có thói quen sống ở làng quê, với tính dân dã tùy hứng của thôn quê, vẫn là con người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Bản chất và tính cách nông dân vẫn luôn chi phối mạnh mẽ cách hành xử của cộng đồng cư dân nơi thành thị.
Điều này sẽ dễ lý giải hơn vì sao khi nạn kẹt xe trở thành nỗi “ám ảnh kinh hoàng” diễn ra hàng ngày, người dân sống ở hai đại đô thị lớn như TP.HCM và TP.Hà Nội vẫn thích nghi và tồn tại được? Câu trả lời là bởi, truyền thống linh hoạt đã tạo cho người Việt Nam khả năng thích ứng cao, giỏi biến báo trong mọi hoàn cảnh (không đi được ôtô, xe buýt - vì kẹt, thì xuống tìm “xe ôm”; “xe ôm”, xe máy bất lực thì cuốc bộ; đường đúng luật không đi được thì “len lỏi” lên vỉa hè; đường chính “tắc” thì tìm hẻm mà “thoát”… miễn là đến đích!). Tuy vậy, mặt trái của tính linh hoạt sẽ dẫn đến hậu quả xấu: người dân quen sống tùy tiện, ứng xử cảm tính, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật… Từ đó, tác động trở lại, khiến việc xây dựng văn minh đô thị vốn đã bề bộn lại càng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Những trở ngại đó còn biểu hiện ở tư duy lãnh đạo bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp truyền thống, mang tính thời vụ cao. Hết “áp lực” của thời vụ là có thể dông dài, thư nhàn thụ hưởng. Lâu dần nhiễm thành thói “nước đến chân mới nhảy”, … luôn giải quyết mọi việc theo kiểu “tình thế”, nặng về đối phó hơn là hình thành những chiến lược với một tầm nhìn dài hạn.
Việc quy hoạch và xây dựng văn minh đô thị của các nhà quản lý đô thị ở Việt Nam hiện nay là thế. Đã vậy, cư dân nông nghiệp quen sống trong làng xã, với những mối quan hệ hàng xóm láng giềng thân thuộc, sống gần thiên nhiên nên cũng rất “hồn nhiên” (việc “phóng uế, xả rác, nhổ bậy”…, mấy năm nay sống trong làng xã, ai nấy đều tự “giải quyết” nhu cầu một cách rất bản năng, “cả làng đều thế phải mình… em đâu” mà mắc cỡ!). Họ quen ung dung, thoải mái tự do trong một bầu không khí dân chủ kiểu làng xã. Tư duy “trọng nguyên tắc, trọng lý lẽ, trọng luật” dường như còn vắng bóng khá nhiều nơi.
Những truyền thống văn hóa lâu bền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, muốn điều chỉnh và thay đổi phải có khoảng thời gian đủ dài và rộng, ít nhất hàng trăm năm, để các mô hình ứng xử cũ không còn thích hợp bị phá vỡ, thay thế vào đó là những phương thức ứng xử mới phù hợp hơn với quá trình vận động và phát triển của đất nước. Quan trọng là nhận thức ấy phải được thể hiện thống nhất giữa các nhà lãnh đạo.
Bởi vậy, trong một xã hội mà sự thờ ơ, vô trách nhiệm đã trở thành căn bệnh kinh liên, thậm chí, đã thành một khối u cơ chế; thì những ứng xử kiểu “hoang dã”, tự nhiên, “mặc bay” rất dễ đem lại những hậu quả khôn lường, thậm chí, còn trả giá bằng tính mạng.
Nếu cứ mỗi năm lại đề ra một “tiêu điểm” mới, một phong trào mới, những yếu tố tích cực vừa gieo trồng, chưa kịp chăm sóc vun xới cho sâu rễ bền gốc, cây còn non nớt, èo uột… đã vội vàng cày xới gieo hạt trên luống đất khác, dù tốn kém sức người, sức của cho nhân công, giống má, cây trồng đến mấy, cũng khó hy vọng có được những vụ mùa bội thu.