Hạ tầng giao thông trải đường băng cho BĐS
Với vai trò lưu thông và kết nối, hạ tầng được coi là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giá trị của bất động sản (BĐS). Hệ thống giao thông càng phát triển ở đâu thì nơi đó càng thu hút nhà đầu tư.
Sở hữu tiềm năng lớn khi nằm giáp ranh Thủ đô, đầu mối giao thông kết nối cửa ngõ phía Nam Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Hà Nam được đánh giá là tỉnh có hệ thống hạ tầng phát triển về mọi mặt.
Về đường sắt, Hà Nam là một trong 21 tỉnh có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua, bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội và kết thúc tại TP.HCM. Đây là tuyến đường dài nhất kết nối 3 miền của Tổ quốc nên thường xuyên được ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hạ tầng.
Mới đây, Bộ giao thông vận tải (GTVT) vừa thẩm định và phê duyệt báo cáo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng chấp thuận nghiên cứu xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM, thuộc địa phận thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, với chiều dài 8.751m.
Về đường thủy, toàn tỉnh còn có 196 km đường sông và 18 cảng, trong đó sông Hồng 4 cảng và sông Đáy 14 cảng nằm trong Quy hoạch cảng nội địa phía Bắc, tạo thành một mạng lưới giao thông khép kín, giúp cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa trở nên thuận tiện.
Về đường bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 8 tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Phủ Lý, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38, Quốc lộ 38 tuyến tránh thị trấn Hòa Mạc, Quốc lộ 38B, dễ dàng kết nối với các tỉnh như: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên,…
Theo Quy hoạch mạng lưới Đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được, Hà Nam sẽ có thêm 3 tuyến cao tốc kết nối với hệ thống quốc lộ và đường tỉnh bao gồm: cao tốc Bắc – Nam phía Đông (tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình), cao tốc Phủ Lý – Nam Định, đường Vành Đai 5 Thủ đô Hà Nội… Đây được coi những bước đột phá về hạ tầng, góp phần mở lối giao thương giữa Hà Nam với các khu vực lân cận, thúc đẩy giá trị bất động sản nơi đây gia tăng nhanh chóng.
Động lực từ thu hút FDI và phát triển công nghiệp
Vị trí chiến lược quan trọng cùng hệ thống giao thông đường sắt, thủy, bộ hoàn hảo đã tạo cho Hà Nam lợi thế rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp của tỉnh. Những năm gần đây, Hà Nam liên tiếp nằm trong top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
Năm 2020, tỉnh Hà Nam thu hút được 74 dự án đầu tư mới (32 dự án FDI và 42 dự án trong nước). Trong đó, các KCN cấp mới 44 dự án (30 dự án FDI và 14 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 548 triệu USD và 2.002 tỷ đồng. Ngoài KCN cấp mới 30 dự án (02 dự án FDI và 28 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 22,5 triệu USD và 19.040 tỷ đồng.
Lũy kế cho đến nay, tại các KCN tỉnh Hà Nam có 459 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó, có 284 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 4.103,5 triệu USD và 175 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 32.249,2 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã có chủ trương trình Chính phủ về việc quy hoạch và phát triển các KCN đến năm 2025 là 15 KCN với diện tích 6.014ha (tăng 3.480ha), trong đó mở rộng thêm 04 KCN với diện tích tăng thêm 1.020ha, thành lập mới 6 KCN với diện tích 2.210ha.
Dễ nhận thấy, khi các KCN phát triển, nhu cầu về nhà ở tại các khu vực này sẽ tăng cao để phục vụ cho lượng lớn công nhân và giới chuyên gia đổ về sinh sống, làm việc. Bên cạnh nhà ở thì nhu cầu về dịch vụ, giải trí cũng sẽ gia tăng, là tiền đề cho các loại hình bất động sản thương mại phát triển.
Bất động sản Hà Nam đang đứng trước cơ hội toả sáng khi địa phương liên tục đón sóng đầu tư hạ tầng, công nghiệp. Trong đó những dự án khu đô thị với quy hoạch đồng bộ, bài bản, vị trí giao thông thuận lợi hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.