Bất cập trong quản lý đất nông lâm trường - Kỳ I: Đất bỏ hoang, đồng bào thiếu nơi canh tác!

13/11/2013 00:00

Trong khi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thiếu đất sản xuất. Trong khi các nông, lâm trường quản lý không hiệu quả, gây lãng phí…

   
  Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, tuy nhiên, sau khi sắp xếp thì việc hoàn trả lại diện tích cho địa phương, người dân còn nhiều bất cập. Điều đáng buồn là hầu hết người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rơi vào hoàn cảnh thiếu đất sản xuất. Trong khi các nông, lâm trường quản lý không hiệu quả, gây lãng phí…
   
Bt bình đng !
   
  Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình), hiện nay tình trạng thiếu đất sản xuất ở nông dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra nhiều nơi. Do không có đất sản xuất nên tình trạng tranh chấp đòi lại đất đã giao cho các nông, lâm trường trước đây diễn ra khá gay gắt. Chỉ có một số nông, lâm trường đã chuyển đổi thành các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, còn lại phần lớn là gặp khó khăn, khả năng quản lý và sử dụng đất được giao rất hạn chế và đã xuất hiện tình trạng giao khoán lại cho người dân, người dân gọi là phát canh thu tô. Bản thân người dân phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình mà không đủ ăn.
   
  Đơn cử, là một xã vùng rừng núi biên giới của huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, xã Trường Sơn, trước đây bị tàn phá khốc liệt trong chiến tranh nên dân cư thưa thớt. Từ sau năm 1972, nhiều hộ gia đình người Vân Kiều từ Quảng Trị ra định cư lập nên các bản mới dọc sông Long Đại, sinh kế của người dân ở đây chủ yếu dựa vào phát nương làm rẫy. Nhưng khi Nhà nước vận động đồng bào chấm dứt tình trạng đó chuyển sang định canh định cư, thì chính quyền địa phương lại không bố trí được nguồn đất canh tác dẫn tới tình trạng đói nghèo có xu hướng gia tăng. Cụ thể, thôn Khe Cát có 100 hộ dân người Vân Kiều, diện tích canh tác bình quân mỗi hộ (4 - 5 khẩu) khoảng 0,4 ha đất màu ven suối và 46% số hộ được giao thêm 08 ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, con số đó vẫn không đủ để đảm bảo tư liệu sản xuất cho người dân dẫn tới tủ lệ nghèo tại thôn khá cao và tình trạng lấn chiếm đất của các lâm trường có xu hướng càng tăng.
   
   
Thiếu đất sản xuất dẫn tới mâu thuẫn ngày càng tăng giữa người dân và các nông, lâm trường. Ảnh: Tuấn Anh
    
   
  Còn tại  hai xã vùng 3 của huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn là Tân Thành và Thiện Kỵ là nơi định cư của hơn 80% dân số là đồng bào Nùng và Cao Lan. Đáng chú ý, cả hai xã đều có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhưng trên 75% diện tích đó lại nằm trong phần diện tích đã được giao cho Công ty Đông Bắc. Không có đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo khá cao (45% xã Thiện Kỵ và 21% ở xã Tân Thành). Thống kê của công ty cho thấy tổng diện tích đất bị các hộ dân ở hai xã lấn chiếm lên tới 17.095 ha, chiếm 78,3% diện tích đất công ty hiện đang được giao quản lý. Chỉ tính riêng trên địa bàn khu vực thôn Cốt Cối thuộc xã Tân Thành, diện tích bị lấn chiếm lên tới 272 ha/400 ha.
   
  Điều đáng nói là việc quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường còn rất lãng phí. Một cuộc khảo sát tại 56 nông, lâm trường quốc doanh tại 15 tỉnh, thành phố do Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp triển khai mới đây cho thấy, do năng lực quản trị yếu kém, 50% trong tổng số gần 150 nông, lâm trường quốc doanh hoạt động thua lỗ. Đó thực sự là một nghịch lý, trong khi người dân địa phương nơi công ty lâm trường đóng quân đang không có đất để sản xuất thì mỗi công ty lâm nghiệp lại nắm trong tay hàng nghìn ha rừng. Cùng với đó là, nhiều công ty cổ phần hiện nay không có vốn Nhà nước, quản lý sử dụng hàng ngàn ha đất, nhưng vẫn chưa thực hiện thuê đất theo quy định.
   
Vướng cơ chế
   
  Theo Báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại của cử tri của UBTVQH cho thấy: “Hầu hết các công ty nông, lâm trường hiện vẫn chưa thực hiện xong việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới tại thực địa, chủ yếu mới thực hiện việc giao đất trên bản đổ, sổ sách; thậm chí nhiều nông, lâm trường không có bản đồ, hồ sơ địa chính… Chính vì vậy ở nhiều công ty tình trạng diện tích được giao trên giấy tờ sổ sách còn chênh lệch nhiều với diện tích đang sử dụng bao gồm cả diện tích các làng bản, đường sá, sông suối.” . Do đó, khi xảy ra những tranh chấp đất đai giữa người dân và các công ty lâm trường thì cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương không có cơ sở để giải quyết mâu thuẫn.
   
  Đồng thời, theo quy định của pháp luật thì khi xảy ra tranh chấp thì bước đầu tiên là các bên tổ chức tự hòa giải. Nếu các bên không tự hòa giải được thì tổ hòa giải cấp xã được hình thành. Nếu không thành công thì có thể nhờ vào sự phán xét của tòa án. Tuy nhiên, do các cơ sở pháp lý ở nhiều địa phương  không được hoàn chỉnh và vai trò của UBND xã trong việc giải quyết tranh chấp còn nhiều hạn chế, chủ yếu dừng ở mức độ hòa giải. Trong khi huyện có vai trò lớn hơn nhưng lại thiếu cơ sở và nguồn lực để giải quyết. Về mặt quản lý, các công ty này lại không trực thuộc chính quyền địa phương mà do Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam quản lý dẫn tới vai trò của chính quyền huyện, xã trong chỉ đạo lâm trường giải quyết tranh chấp không khả thi.
   
  Thực tế, một số địa phương sau khi thực hiện Nghị quyết 28 đã giao lại một phần diện tích cho địa phương. Tuy nhiên, việc giao đất này phần lớn chỉ thực hiện trên giấy tờ, do đó địa phương chưa thể giao đất lại cho người dân. Ngoài ra, nguồn kinh phí để thực hiện khảo sát, đo đạc đất đai trước khi giao cho người dân đang là một “rào cản” lớn, khiến tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân vẫn tiếp diễn. Đơn cử như tại Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc (trụ sở tại Lạng Sơn), tổng diện tích đất lâm nghiệp của đơn vị này là 21.825,8 ha, sau khi sắp xếp, công ty dự kiến trả lại cho địa phương 12.776 ha, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa có kinh phí.
   
Trường Giang
Bài 2: Chia lại được không?
       Tính đến cuối năm 2012, cộng đồng các dân tộc thiểu số cả nước vẫn còn gần 327.000 hộ thiếu đất, trong đó có 33.000 hộ thiếu đất ở và 294.000 hộ thiếu đất canh tác.Trong khi đó, các Công ty lâm trường đang quản lý khoảng 2.064.690 ha, số lượng lao động bình quân 1người/100ha là rất bất hợp lý.
    
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong quản lý đất nông lâm trường - Kỳ I: Đất bỏ hoang, đồng bào thiếu nơi canh tác!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO