Thời gian này là lúc bà con TĐC thủy điện Hủa Na bắt đầu hết gạo hỗ trợ. Và những thanh niên trai tráng trong làng, trong bản, những người đàn ông khỏe mạnh lại bắt đầu vào rừng; vào chốn cũ giữa lòng hồ thủy điện mênh mông sóng nước để săn bắt, hái lượm tìm kế sinh nhai. Cũng vì do thiếu đất để trồng lứa nước, những người có sức khỏe thì đi làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền đong gạo sống qua ngày, cuộc sống của người dân nơi đây ngày qua ngày, bộn bề bao khó khăn vất vả.
Bà Lô Thi Quyên, trú tại bản Huôi Muống, xã Tiền Phong với ít gạo đi vay mượn được. |
Trước đây theo như cam kết giữa nhà đầu tư với Công ty CP thủy điện Hủa Na, mỗi nhân khẩu được giao ít nhất là 1 ha đất rừng, hộ 3-5 khẩu được giao 3 ha, hộ 5-8 khẩu được giao 8 ha để trồng rừng...
“Hiện nay dù trên giấy tờ đất rừng đã được giao cho người dân, nhưng thực tế hàng trăm hộ dân vẫn chưa có một mảnh đất để mưu sinh, những hộ dân được chia đất thì chỉ được khoảng 1 ha, nhưng là những ha đất cằn cỗi, không thể trồng trọt được, nên bấy lâu nay, nhưng người dân ở TĐC Thủy điện Hủa Na chỉ sống nhờ vào gạo hỗ trợ và củ sắn, măng rừng. Đến nay gạo hỗ trợ của nhà nước đã hết rồi, dân bản phải vào rừng hái măng, làm đủ nghề để kiếm sống qua ngày. Trong khi đó, đất trồng lúa không có, mùa măng rừng thì có hạn biết thời gian tới bà con sống sao đây...?” - ông Lương Văn Hùng, Bí thư Chi bộ bản Piêng Cu 1 bức xúc cho hay.
Anh Hà Văn Thắng ở bản Huôi Sai, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong bức xúc vì không có đất lúa nước để canh tác. |
Ngoài việc thiếu đất để mưu sinh, người dân bản Piêng Cu 1, Piêng Cu 2 xã Tiền Phong, huyện Quế Phong còn thiếu nước sạch để sinh hoạt. Hầu hết các công trình nước sạch do nhà đầu tư xây dựng đã xuống cấp. Bể nước lớn đặt trên núi và 7 bể nước vệ tinh chia nước cho 2 bản này chỉ hoạt động được mấy tháng sau khi xây dựng, còn lại từ đó đến nay người dân ở các khu TĐC nói chung không có nước để sinh hoạt.
“Sau khi các bể nước sạch ở các khu TĐC không cấp nước được cho dân, hoặc bị hư hỏng, nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên chính quyền địa phương và nhà đầu tư nhưng đến nay đã hơn 7 năm vẫn chưa được nâng cấp sửa chữa. Nhà đầu tư đào giếng khơi nhưng nước ít, chưa dùng đã hết, người dân chúng tôi phải đi xa hơn 1 km lấy nước khe suối về sinh hoạt, dù biết nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nhưng chúng tôi phải sử dụng vì có nước đâu...” - ông Hùng cho biết thêm.
Công trình nước sạch bị hư hỏng, không hề có giọt nước nào trong bể. |
Tại điểm TĐC Huôi Sai, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong có 103 hộ dân sinh sống, trên giấy tờ có những hộ dân nơi đây được cấp 320ha đất để mưu sinh. Tuy nhiện, thực tế các hộ dân nơi đây hoàn toàn không có đất như chủ đầu tư đã cam kết. “Gia đình tôi có 3 nhân khẩu, nhưng đến nay đã được Công ty CP thủy điện Hủa Na giao đất để trồng trọt đâu, hàng ngày vợ chồng tôi phải vào rừng, vào mảnh đất ngày xưa chúng tôi sinh sống để hái măng và bắt cá kiếm sống qua ngày đó thôi. Không có đất chúng tôi không biết lấy gì để kiếm sống, cứ trông chờ vào gạo trợ cấp, mà họ cấp gạo hàng tháng nhưng tháng nay đã cấp cho chúng tôi đâu...” - anh Hà Văn Hăng ở bản Huôi Sai bức xúc cho hay.
Đất đai thì bạc màu, nhà cửa thì xuống cấp nên hàng ngày người dân ở các điểm TĐC Thủy điển Hủa Na phải vào rừng kiếm sống qua ngày. |
Cùng tâm trạng với anh Hăng là bà Lô Thị Quyên, trú tại bản TĐC Huôi Muống, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, chia sẻ: “Lâu nay đất không được cấp, nước sạch thì không có, nghề nghiệp thì không có chỉ có nghề hái măng rừng nhưng vất vả lắm, phải có sức khỏe mới vào rừng hàng ngày được... Chúng tôi ngoài trông chờ gạo trợ cấp thì không biết lấy gì để sống qua ngày đây...?”.
Về vấn đề này, ông Vũ Đình Tuấn, Trưởng bộ phận bồi thường GPMB Công ty CP thủy điện Hủa Na cho biết: “Có 6/13 điểm TĐC đã có quỹ đất trồng lúa nước, số còn lại chúng tôi vẫn chưa tìm đâu ra. Số đất trồng lúa nước chúng tôi đã tiến hành bàn giao cho dân rồi, nhưng người dân yêu cầu phải có tiền phục hóa mới chịu nhận, nên cũng rất khó cho chúng tôi...được biết trước đây UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn, chúng tôi đang lập phương án giao đất cho người dân nhưng đến nay vẫn khó thực hiện...”.
Các điển TĐC Thủy điện Hủa Na người dân đang gặp khó khăn trăm bề. |
“Còn công trình nước tự chảy không hoạt động được và để hoang, hư hỏng nặng là do người dân đục phá đường ống dẫn nước, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công khắc phục sự cố nhưng phía đơn vị thì công không đồng ý nên đến nay vẫn không thể liên lạc được...” - ông Tuấn cho biết thêm.
Trong khi đó trao đổi với ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong về vấn đề trên thì được biết: “Hiện, người dân không có đất mưu sinh và nước sạch để sinh hoạt là có, nhiều lần chúng tôi kiến nghị phía chủ đầu tư rồi, nhưng đến nay đâu vẫn vào đấy...Chỉ có một số ít hộ dân là có đất để sản xuất, còn lại đa phần là thiếu đất để sinh hoạt, cuộc sống của họ vốn đã vất vả, khó khăn, nay lại khó khăn hơn...chúng tôi cũng đã nhiều lần làm việc với phía chủ đầu tư rồi, nhưng đâu lại vào đó...”.
Những bất cật về cấp đất sản xuất và các công trình phúc lợi cũng như kế sinh nhai của người dân các điểm TĐC Thủy điện Hủa Na là có thật. Thực trạng trên khiến người dân hết sức bức xúc. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phải có biện pháp phù hợp để nhanh chóng giải quyết, sớm ổn định đời sống của người dân.
Theo thống kê, để triển khai các dự án thủy điện, UBND tỉnh Nghệ An đã thu hồi 8.310,4 ha (đất rừng, lâm nghiệp 5.687 ha; đất sản xuất 1.733,3 ha, còn lại đất khác). 3 dự án thủy điện lớn là Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố phải di dời 4.969 hộ dân đến 53 điểm tái định cư. Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 10 dự án thủy điện đi vào hoạt động và phát điện hòa lưới điện quốc gia, tổng mức đầu tư hơn 18.300 tỉ đồng, tổng công suất 697,5 MW, sản lượng điện trung bình năm hơn 2,2 tỉ kwh |
Bài & ảnh: Đình Tiệp