"Bất bình đẳng" với thiên nhiên

21/02/2017 00:00

(TN&MT) - Con người đang từng ngày “đối xử bất bình đẳng” với tự nhiên. Mất ĐDSH, mất khả năng cung cấp các tài nguyên, sẽ ảnh hưởng đến an toàn xã hội, đưa đến nghèo đói, tệ nạn xã hội, di cư...

Ngược đãi thiên nhiên…

Mối quan hệ giữa nghèo đói và suy thoái môi trường, mất ĐDSH như là một quá trình “tích luỹ bệnh”. Đói nghèo đã đẩy con người đến một kế hoạch khai thác ngắn hạn hơn là dài hạn để thỏa mãn những nhu cầu khẩn thiết hiện tại mà không chú ý đến khả năng bảo vệ lâu dài cho nhu cầu trong tương lai.

Con người từng ngày “đối xử bất bình đẳng” với tự nhiên
Con người từng ngày “đối xử bất bình đẳng” với tự nhiên

Hệ lụy làm suy thoái tài nguyên và môi trường, suy thoái ĐDSH làm nghèo đói tăng lên, nghèo đói lại gây áp lực lên ĐDSH. Và cứ thế tiếp tục, luẩn quẩn theo “đường xoắn ốc đi xuống” của sự suy thoái sinh thái, mất đa dạng sinh học dẫn đến nghèo đói, nghèo đói lại sống trước đe dọa an toàn tự nhiên, kinh tế và sức khỏe của con người. Trong thế kỷ qua, diện tích đất canh tác trên toàn thế giới tăng 74%, diện tích đất đồng cỏ tăng 113%, kéo theo rừng và các thảm thực vật cây gỗ khác giảm 21%.

Mặc dù, ĐDSH là nguồn gốc và tính bền vững nông nghiệp. Đa dạng các loài vi khuẩn cố định đạm trong nông nghiệp, cung cấp cho cây trồng, có giá trị kinh tế ước tính khoảng 50 tỷ USD hàng năm. Ong, bướm, chim, dơi, các động vật có vú và các loài côn trùng khác đã thụ phấn cho hơn 70% giống cây trồng chủ yếu trên thế giới và 90% thực vật có hoa. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đang còn phụ thuộc rất nhiều đến các loài hoang dã. Các loài hoang dã đã thuần hóa được như là nguồn nguyên liệu di truyền đảm bảo khả năng kháng bệnh, nâng cao năng suất, cải thiện sự thích nghi đến các điều kiện môi trường.

Tuy vậy, con người vẫn đang từng ngày “đối xử bất bình đẳng” với tự nhiên. Có thể nói, mất ĐDSH, mất khả năng cung cấp các tài nguyên nó sẽ ảnh hưởng đến an toàn xã hội, đưa đến nghèo đói, tệ nạn xã hội, di cư, thậm chí chiến tranh.

Hậu họa nhãn tiền

Tàn phá các hệ sinh thái trên diện rộng của con người làm suy thoái đa dạng sinh học đã là điều hiển nhiên, sự chia cắt manh mún các hệ sinh thái ra từng phần nhỏ cũng tác động không nhỏ đến quá trình làm suy giảm và hủy diệt các loài.

Ở Việt Nam, khi thị trường thương mại được mở rộng, các sản phẩm từ tự nhiên được bán qua biên giới một cách rất nhộn nhịp. Các loài động vật hoang dã (ĐVHD) buôn lậu như: rắn, rùa, tê tê, gấu, cầy, kỳ đà được cung cấp cho các nhà hàng thịt thú rừng. Đặc biệt, cho hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng trở thành mồi nhậu đặc sản khoái khẩu.

a
Có khoảng gần 5.000 tấn động vật hoang dã buôn bán vận chuyển bất hợp từ Việt Nam sang Trung Quốc

Không những thế, Việt Nam còn là điểm trung chuyển ĐVHD quốc tế có nguồn gốc từ Indonexia, Malaysia, Lào, Campuchia,.. sang Trung Quốc. Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn) trở thành những “điểm nóng” diễn ra các hoạt động xuất, nhập khẩu ĐVHD.

Hàng năm, có khoảng gần 5.000 tấn động vật hoang dã buôn bán vận chuyển bất hợp pháp từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nhiều người trở nên giàu có từ việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp qua cửa khẩu: Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Pờ I (Kon Tum), Lộc Ninh (từ Campuchia sang)...

Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do ý thức về bảo tồn ĐDSH và nhận thức được giá trị thực sự của ĐDSH trong xã hội còn hạn chế, kể cả đối với các cấp hoạch định chính sách; cùng với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao, đặc biệt, trong mở rộng giao thông, xây dựng các công trình thủy điện, khai khoáng, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các sinh cảnh tự nhiên, phá huỷ môi trường sống của nhiều loài, gây ô nhiễm và suy thoái chất lượng của các hệ sinh thái.

Kinh tế Xanh - Chìa khóa giảm tiêu cực

Suy giảm đa dạng sinh học làm giảm phúc lợi của một bộ phận dân số thế giới, trong khi một bộ phận dân số khác gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn vì đói nghèo. Nếu tình trạng này tiếp tục, nó có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của các hệ sinh thái điều hòa khí hậu trong dài hạn và có thể dẫn đến những biến đổi không thể lường trước và có thể dẫn đến sự đảo ngược trong hệ thống Trái đất và những thay đổi trong các dịch vụ hệ sinh thái là nguồn cung các nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế.

KInh tế Xanh - Chìa khóa cho công tác bảo tồn ĐDSH
Kinh tế Xanh - Chìa khóa cho công tác bảo tồn ĐDSH

Bởi những lý do này mà việc gìn giữ và bảo vệ các hệ sinh thái là trọng tâm của Chương trình nghị sự Kinh tế Xanh. Ngoài ra, đầu tư xanh cũng nhằm giảm những hệ quả tiêu cực do các yếu tố bên ngoài gây ra bởi việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đơn cử, việc đầu tư vào bảo vệ rừng không những duy trì một loạt các ngành và sinh kế của con người mà còn bảo tồn 80% các loài trên cạn. Bằng cách thúc đẩy đầu tư vào lâm nghiệp xanh, Chương trình nghị sự Kinh tế Xanh sẽ góp phần ổn định đời sống kinh tế của hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống bằng các sản phẩm từ gỗ, giấy và chất xơ, với tổng thu nhập chỉ chiếm 1% GDP toàn cầu.

Phương Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bất bình đẳng" với thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO