Môi trường

Bảo vệ Trái đất - trách nhiệm không của riêng ai

Nhóm PV Báo TN&MT (thực hiện) 21/04/2023 15:00

(TN&MT) - Ngày Trái đất do Liên hợp quốc phát động được tổ chức vào 22/4 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi các quốc gia, cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên toàn cầu. Trái đất chỉ có một, vì vậy, bảo vệ Trái đất là trách nhiệm không của riêng ai.

02(1).jpg
ts-nguyen-ngoc-sinh-chu-tich-hoi-bvtn-mt-viet-nam.jpeg
TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

“ 

Đầu tư cho hành tinh là đầu tư cho chính mình

Thiên nhiên có vai trò rất quan trọng đối với tất cả con người cũng như tất cả những sinh vật sống trên Trái đất. Tuy thiên nhiên đem lại rất nhiều lợi ích cho con người nhưng nếu chúng ta không biết bảo tồn và gìn giữ thì sự suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên sẽ có tác động nguy hại đến đời sống của chính bản thân chúng ta.

Mỗi người chúng ta phải ý thức được rằng, chúng ta chỉ có 1 Trái đất, và Trái đất của chúng ta đang bị trọng thương, đang bị chính chúng ta tàn phá. Nếu không thay đổi cách con người đối xử với thiên nhiên, Trái đất sẽ phản ứng lại chúng ta theo quy luật “cái lò xo bị nén”. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đa dạng sinh học ngày càng suy giảm, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng,… mới chỉ là khởi đầu của sự bật lại đó. Nhiều kết luận nghiên cứu khoa học được công bố ví von rằng, nếu không thay đổi lối sống không bền vững như hiện nay, nếu phí phạm tài nguyên như hiện nay, chúng ta sẽ phải cần tới 2 - 3 Trái đất, hoặc chỉ sống được khoảng 50% thời gian trong năm.

Do đó, tôi tin rằng đầu tư cho hành tinh chính là đầu tư cho chính chúng ta. Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống đòi hỏi toàn xã hội và nhất là mỗi người chúng ta phải thay đổi nhận thức trong cách đối xử với thiên nhiên để từ đó có những hành động “thuận thiên” nhất có thể. Đó có thể là những điều bình thường như trồng nhiều cây xanh; hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi ni lông dùng một lần; tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước; viết và in giấy trên cả 2 mặt; sử dụng vật liệu tái chế nhiều hơn; không đốt bỏ rơm rạ sau thu hoạch,… Chỉ cần tất cả cùng chung tay, thì môi trường sống của chúng ta sẽ sớm trong xanh trở lại.

Thời gian qua, các hội viên trong Hội luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên và môi trường trong nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2010 tới nay, chúng tôi phát động và duy trì sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”. Bảo tồn Cây Di sản chính là đầu tư, chăm sóc Trái đất, góp phần trồng hàng tỷ cây xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học. Cao hơn, đây chính là xây dựng nếp sống thân thiện môi trường, xây dựng đạo đức môi trường - điều mà chúng ta còn quan tâm chưa đúng mức.

mau.jpg
TS. Nguyễn Đăng Mậu - Viện Khoa học KTTV&BĐKH

Trái đất và trách nhiệm của chúng ta

Ngày Trái đất do Liên hợp quốc phát động, được tổ chức vào 22/4 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức và sự chung tay của cộng đồng trong bảo vệ môi trường tự nhiên của Trái đất, khuyến khích các phong trào, hoạt động nhằm bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, ngăn chặn các thảm họa đang diễn biến thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu (BĐKH) và tàn phá môi trường.

Chủ đề của Ngày Trái đất năm 2023 vẫn tương tự năm 2022, đó là “Invest in Our Planet” - “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta” để phát triển cấp thiết việc bảo vệ Trái đất khỏi ô nhiễm, giữ một môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là ngày để “thực hiện hành động”, vì vậy, ý nghĩa của Ngày Trái đất gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là sự quan tâm của toàn thế giới mà còn là một trong những vấn đề quan trọng và cơ bản nhất trong định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách tại Việt Nam, nhiều bộ Luật về bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước,… đã đi vào thực tiễn để phục vụ cho công cuộc bảo vệ, phát triển môi trường, thích ứng với BĐKH một cách bền vững. Ngoài ra, các chương trình hành động về thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tác động do ô nhiễm môi trường, các cam kết đưa phát thải ròng bằng “0”,… cũng được Nhà nước ta chú trọng.

Định hướng của Nhà nước về quy định bảo vệ môi trường càng không thể thiếu sự đồng hành từ mỗi cá nhân trong cộng đồng. Công dân đều phải nhận thức được và có trách nhiệm trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định về bảo vệ môi trường. Để phát huy được tính chủ động và ý thức đối với việc bảo vệ môi trường, công tác truyền thông và nâng cao kiến thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường cần được tăng cường.

Đặc biệt, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi người dân thu gom rác thải, phổ biến các giải pháp hữu hiệu trong bảo vệ môi trường như phong trào trồng cây xanh, tái tạo rác hữu cơ, tái sử dụng đồ đựng đồ ăn, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phân loại và xử lý rác thải…

a2.-ong-tran-vinh-phu(1).jpg
Ông Trần Vĩnh Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông

Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào - giải pháp thiết thực               bảo vệ Trái đất

Thời gian qua, UBND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đã tập trung thực hiện nhiều chương trình nhằm giúp cho đồng bào tại chỗ có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn bó lâu dài với buôn làng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện Tuy Đức có hơn 80% người dân sinh sống bằng nông nghiệp. Thời gian qua, huyện Tuy Đức đã đưa ra nhiều giải pháp để giúp người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng các bản làng, thôn, bản… ngày một giàu đẹp hơn. Cụ thể, huyện đã thực hiện một số chương trình nhằm tạo sinh kế cho người dân là đồng bào thiểu số như: mua sắm công cụ sản xuất và trồng rừng; hỗ trợ dịch vụ sản xuất, kinh doanh và lãi suất vay vốn. Hiện, đa số người dân trên địa bàn một số xã đều trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: mắc ca, cà phê, tiêu, điều... Vì vậy, nguồn thu nhập của người dân ngày càng ổn định.

Hiện nay, huyện Tuy Đức đang triển khai chương trình hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng mắc ca và hỗ trợ kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu; đồng thời, triển khai chương trình sinh kế như chăn nuôi bò, dê, ngan… Thông qua các hình thức hỗ trợ này, nhiều hộ dân đã dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, người dân ở các thôn, bon không còn tư tưởng chặt phá rừng, di canh tự do. Cuộc sống đồng bào các thôn, bon khu vực biên giới của huyện Tuy Đức cũng đã có nhiều bước chuyển mới.

Thời gian tới, huyện Tuy Đức tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, huyện Tuy Đức tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động làm nông nghiêp theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm công nghiệp và dịch vụ; chú trọng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu; tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội; thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

a1.-pgs.ts-le-anh-tuan(1).jpg
PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Trường Đại học Cần Thơ

Thích ứng với nước biển dâng - cách “thuận thiên” để bảo vệ Trái đất

Hằng năm, mực nước biển dâng đã xâm nhập sâu vào Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp cũng như làm thay đổi sinh thái nguồn nước, đa dạng sinh học, kiệt quệ đất đai và thu nhập của người dân bị sụt giảm.

Trước những tác động từ nước biển dâng, chính quyền vùng ĐBSCL đã chủ động tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đưa cây, con giống chịu mặn vào sản xuất; phân vùng dựa vào nguồn tài nguyên nước ngọt, mặn, lợ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời, các địa phương, người dân ĐBSCL còn linh hoạt, biến thách thức từ nước biển dâng, xâm nhập mặn thành động lực để thay đổi phương thức sản xuất, xem nước mặn, lợ là tài nguyên, lợi thế để tận dụng phát triển. Đây chính là giải pháp “thuận thiên”, tôn trọng quy luật của tự nhiên, quy luật của Trái đất để chung sống một cách hài hòa, bền vững.

ĐBSCL là vùng có thế mạnh về sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Để đảm bảo cho phát triển ổn định, bền vững, các địa phương vùng ĐBSCL cần có các giải pháp về khoa học, kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi xâm nhập mặn, nước biển dâng kết hợp với giải pháp công trình phù hợp để đầu tư và quản lý linh hoạt; tăng cường hợp tác khoa học với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ thông tin và kiến thức về ứng phó hiệu quả nhất về BĐKH, nước biển dâng.

Để ứng phó với tình trạng nước biển dâng khiến nhiều đô thị vùng ĐBSCL bị ngập sâu, gây hư hại cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, ao hồ, kênh rạch; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đê, kè tại những khu vực xung yếu. Bên cạnh đó, mở rộng hệ thống cấp nước sạch cho người dân ở khu vực đô thị cũng như ở nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo tình hình BĐKH, nước biển dâng để chính quyền, người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

bi-thu-doan-so-tn-son-la-nguyen-thanh-hung(1).jpg
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Bí thư Đoàn Thanh niên Sở TN&MT Sơn La

“ 

Phát huy sức trẻ bảo vệ hành tinh xanh từ những việc làm nhỏ nhất

Ngày Trái đất là ngày có ý nghĩa đặc biệt để tôn vinh, yêu thương, nâng niu hành tinh sống của chúng ta. Là ngày vận động mỗi người dân tạm gác lại công việc bận rộn để hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Với 5 Chi đoàn trực thuộc, 75 đoàn viên đang sinh hoạt, xác định lực lượng đoàn viên, thanh niên là một trong những lực lượng nòng cốt, xung kích trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên ngành TN&MT, Đoàn Thanh niên Sở TN&MT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lịch sử hình thành, ý nghĩa, mục đích cũng như các hoạt động để hưởng ứng Ngày Trái đất. Hình thức tuyên truyền thông qua các buổi họp giao ban, lồng ghép trong các hội nghị của cơ quan, đơn vị.

Từ đó, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên toàn ngành về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Thực hiện các phần việc thanh niên góp phần chung tay bảo vệ Mẹ Trái đất từ những việc làm nhỏ nhất, có thể thực hiện ngay và thực hiện hằng ngày chứ không cần quá cầu kỳ, cao xa.

Đồng thời, giao mỗi đoàn viên thanh niên tiếp tục tuyên truyền vận động gia đình, người thân, người dân tại khu dân cư nơi sinh sống thực hiện ngay các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan như trồng cây xanh, trồng hoa, cây cảnh trước cửa nhà. Thường xuyên ra quân quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm để bảo vệ môi trường sống. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng, tận dụng ánh sáng mặt trời, tắt các thiết bị điện không cần thiết khi không sử dụng; tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, xe đạp; hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần… để giảm thiểu các tác động vào môi trường.

Với phương châm Mỗi thanh niên một hành động, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường, không chỉ giới hạn trong Ngày trái đất, công tác bảo vệ môi trường phải luôn được triển khai thường xuyên, liên tục. Qua đó, góp phần thay đổi hành vi, xây dựng, hình thành và lan tỏa lối sống thân thiện, chan hòa, có trách nhiệm hơn với cuộc sống, với cộng đồng và môi trường xung quanh. Đóng góp một phần sức trẻ trong nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ màu xanh ngôi nhà chung - Trái đất, không chỉ cho hôm nay mà còn cho cả mai sau.

kelsey(1).jpg
Kelsey Skinner - Bác sĩ Thú y của Save Vietnam’s Wildlife

Cần bình đẳng trước mọi loài trên Trái đất

Việt Nam là một đất nước có nhiều tiềm năng về thiên nhiên với tính đa dạng sinh học cao, là 1 trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Vì vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam rất quan trọng. Là một bác sĩ thú y với 7 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi hiểu rõ sự đe dọa mà các loài động vật phải đối mặt hằng ngày, đặc biệt là động vật hoang dã. Do đó, tôi muốn cộng đồng hiểu hơn về động vật nói chung và động vật hoang dã nói riêng, đồng thời, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ nhiều loài động vật hoang dã tại các chợ địa phương cao nhất, đồng thời là một trong những tuyến đường thương mại liên quốc gia chính để vận chuyển động vật hoang dã giữa các quốc gia châu Á và Đông Nam Á khác. Hiện, nhiều trung tâm, tổ chức phi chính phủ hoạt động về động vật hoang dã tại Việt Nam đang làm rất tốt công tác bảo tồn và cứu hộ các loài động vật hoang dã. Quá trình này tuy gặp nhiều khó khăn nhưng những tổ chức này đang rất nỗ lực để giải cứu những loài động vật khỏi việc bị mua bán, trao đổi.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là tầm quan trọng của động vật hoang dã vẫn chưa được nhận thức đúng. Nhiều người vẫn có suy nghĩ con người là trung tâm, là quan trọng nhất. Tôi muốn mọi người hiểu rằng, Trái đất chỉ có một và không chỉ có con người, nhiều loài động vật cũng sinh sống trên Trái đất và không loài nào quan trọng hơn loài nào. Do đó, chúng ta cần đảm bảo sự hài hòa về không gian cũng như môi trường sống của từng loài khác nhau, hạn chế tác động một cách tối đa đến môi trường sinh thái của những loài khác; bởi mọi sinh vật đều có vị trí và vai trò riêng trong hệ sinh thái Trái đất. Một số loài động vật đã chung sống hòa thuận với nhau trước khi có sự xuất hiện của con người. Con người với sự hiểu biết không chỉ để phát triển mà còn để bảo vệ những gì đã tồn tại, do đó, chúng ta cần phải bảo vệ và gìn giữ môi trường cho các thế hệ tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ Trái đất - trách nhiệm không của riêng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO