PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chịu những tác động như thế nào từ vấn đề môi trường và BĐKH?
Ông Đặng Sơn Hải:
Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, du lịch, dầu khí, cảng biển,... Tuy vậy, đi kèm theo với sự phát triển của kinh tế - xã hội nhanh thì trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều địa phương hiện đang là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường và một số khu vực cũng đối mặt với nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chịu nhiều tác động của BĐKH; đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng khi nhiệt độ, thời tiết ngày càng tăng lên; dịch bệnh có xu hướng phát triểnm, từ đó gây giảm sút năng suất vật nuôi cây trồng. Sự gia tăng của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan còn làm gia tăng tình trạng sạt lở đất, xâm nhập mặn và khô hạn, thoái hóa đất ở một số địa phương trong tỉnh.
Qua đó cho thấy, những tác động tiêu cực về BVMT, BĐKH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu trên, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, mà còn tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
PV: Để BVMT, thích ứng với BĐKH, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai những giải pháp và đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Sơn Hải: Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vào cuộc với nhiều giải pháp thực hiện rất cụ thể, thiết thực, từng bước cải thiện môi trường sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo đó, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác quản lý, BVMT.
Trong đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các sở, ngành liên quan và các địa phương cũng đã tập trung xây dựng các giải pháp xử lý dứt điểm các khu vực ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường; thường xuyên tuyên truyền lồng ghép công tác BVMT và ứng phó BĐKH vào các hoạt động thường niên của ngành TN&MT và tổ chức tuyên truyền đến địa bàn khu dân cư; triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở địa phương đã được kiểm soát, tiến tới xử lý dứt điểm và không để phát sinh mới các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Tình hình vệ sinh ở các khu dân cư đã được cải thiện rỏ rệt, các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự nhắc nhỡ nhau quét dọn vệ sinh quanh khuôn viên, giữ gìn đường làng, ngỏ xóm luôn xanh - sạch - đẹp.
Để thích ứng với BĐKH, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chú trọng công tác quy hoạch nói chung, trong đó, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các khu đô thị, khu dân cư nông thôn theo hướng phù hợp xu thế nước biển dâng; củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu và phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng phòng hộ ven biển để phát huy vai trò “lá chắn tự nhiên”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Đồng thời, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tăng cường bảo vệ vùng cửa sông, ven biển; kiên quyết cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển, nhất là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở. Hiện, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa mới phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Theo đó, toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang với tổng chiều dài bờ biển là 48.618m.
PV: Để BVMT, thích ứng với BĐKH, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Đặng Sơn Hải: Thời gian tới, để thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ tác động của thiên tai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Sở TN&MT, các sở ngành có liên quan và các địa phương tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền về công tác khí tượng thủy văn, quản lý BVMT và thích ứng với BĐKH, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ thiết thực đời sống của người dân địa phương.
Sở TN&MT, các sở ngành và các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, đảm bảo chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với thực trạng đất, góp phần hạn chế sự suy giảm các chất dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất, gây mất khả năng sản xuất của đất; tiếp tục rà soát, điều tra, đánh giá và khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất để chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước.
Cùng với đó, tăng cường bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; phát triển mở rộng hệ sinh thái rừng ngập mặn; đồng thời, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững;
Đồng thời, Sở TN&MT, các sở ngành và các địa phương tích cực triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương hoặc các mô hình sinh kế bền vững tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH gây ra cho người dân. Trong đó, tập trung hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật thích hợp với từng loại đất cụ thể để giữ độ phì nhiêu, màu mỡ của đất tránh thoái hóa đất; hạn chế sử dụng hóa chất độc hại làm mất khả năng của đất.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giao cho Sở TN&MT, các sở ngành và các địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức, toàn thể nhân dân; khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đổ rác bừa bãi, phân loại rác thải kết hợp với xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình.
Đặc biệt, đưa các chỉ tiêu môi trường vào kế hoạch thực hiện hàng năm như chỉ tiêu về độ che phủ rừng, sử dụng nước sạch, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường; hướng dẫn người dân ở các địa bàn dân cư giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BVMT trong sản xuất kinh doanh, trong sinh hoạt, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi địa bàn dân cư.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!