(TN&MT) - Cùng thuộc phường Khương Đình (Thanh Xuân – Hà Nội) nhưng tại sao hồ số 5 nằm trong ngõ 358 Bùi Xương Trạch thì trong xanh trong khi môi trường hồ Khương Hạ nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử Đình Khương Hạ lại hoàn toàn trái ngược? Đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp của nhiều người dân sống trong phường Khương Đình, đặc biệt là những hộ dân sống gần khu vực 2 hồ.
Nhiều năm trở lại đây, hồ Khương Hạ thuộc phố Khương Hạ đã trở thành nơi tập trung rác thải. Theo quan sát của PV Báo TN&MT thì gần như ngày nào cũng vậy, mặt hồ tràn lan rác, đặc biệt là túi nilon. Nước hồ có màu xanh rêu, vào những ngày mưa thì mùi hôi bốc lên từ hồ nồng nặc khiến cho một số người dân gần hồ và những người đi đường qua đây vô cùng bức xúc.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, một người bán hàng rong gần hồ Khương Hạ thì hồ này bị ô nhiễm khoảng 4-5 năm nay. “Tôi thường nhìn thấy người quét rác trên sân đình cạnh hồ, chứ người vớt rác mặt hồ thì ít khi thấy. Đã thế, có vài nhà quanh đây bán hàng ăn, quán nước trên vỉa hè lại còn vô ý thức đổ cả đồ ăn thừa hay bã chè xuống hồ nữa đấy!” – bà Lan nói.
Rác thải tràn lan trên mặt hồ Khương Hạ
Bà Bùi Thị Hiền, Phó chủ tịch UBND phường Khương Đình cho biết: “Hồ Khương Hạ thuộc khuôn viên di tích đình Khương Hạ, chịu sự quản lý chung của UBND phường Khương Đình và sự quản lý trực tiếp của tiểu ban quản lý di tích đình Khương Hạ do UBND phường giao cho.”
Cũng theo bà Hiền thì xung quanh hồ, hoạt động kinh doanh buôn bán xảy ra rất thường xuyên, đặc biệt là ở khu vực đầu ao bên ngõ 250 và mặt phố Khương Hạ. “Vì thế, khi đã có nhu cầu kinh doanh thì chắc chắn sẽ có những trường hợp thiếu ý thức xả rác xuống hồ” - bà Hiền khẳng định.
Cách hồ Khương Hạ khoảng 2km, hồ số 5 trong ngõ 358 Bùi Xương Trạch đang là nơi thư giãn và vui chơi, giải trí lý tưởng của nhiều người dân quanh đây, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. “Ngày nào cũng vậy, cứ vào các buổi sáng và buổi tối là mọi người thi nhau đi bộ, chơi thể thao hoặc chạy bộ quanh hồ. Đông lắm! Người ta cứ đi thành từng tốp ấy cô ạ! Tôi mong là hồ này cứ mãi xanh, sạch, đẹp và thu hút “du khách” như bây giờ để…quán bún chả nhà tôi ngày càng đông khách” – bà Phương, chủ quán bún chả ở số nhà 15, ngõ 358 Bùi Xương Trạch hóm hỉnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thông, người nhận thầu hồ đã hơn 2 năm nay thì nước hồ trong xanh là do ông vớt bèo ở nơi khác về thả xuống hồ và thường xuyên dọn rác trên mặt hồ cũng như xung quanh bờ hồ. “Không gian quanh hồ rất đẹp, có nhiều cây xanh. Nước hồ cũng vậy, luôn trong xanh, mát rượi vì sáng nào cũng thế, cứ 6h30 là tôi lại chèo thuyền ra hồ vớt rác. Nhìn chung thì ý thức của người dân quanh đây là tốt, chỉ trừ một vài trường hợp có đôi lần tiện tay vứt rác xuống hồ. Tuy nhiên, sau khi được tôi nhắc nhở thì họ không làm như vậy nữa” – ông Thông chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Bình, số nhà 34 ngõ 358 Bùi Xương Trạch cho biết: “Khoảng 2-3 năm trước, nước hồ đen, mùi hôi như nước cống, rau và bèo rất nhiều. Nhưng từ khi ông Thông nhận thầu thì hồ sạch đẹp hơn hẳn. Ngay từ ngày được Hợp tác xã cho thuê hồ để nuôi cá, chúng tôi thấy ông ấy cho thuê người nạo vét, vớt rác, cải tạo nên hồ mới được đẹp như ngày hôm nay đấy. Rồi nhiều khi cá chết vì dịch bệnh và mưa nhiều, ông Thông phải thuê người trừ dịch bệnh, kiểm tra hồ, đo mực nước để sử dụng liều lượng thuốc cho phù hợp.”
Hồ số 5 là nơi lý tưởng để người dân quanh khu vực hồ thư giãn
Theo bà Lê Thị Thái, Tổ phó tổ dân phố số 25, người trực tiếp giám sát thi công kè hồ (năm 2012) thì trước kia, một số người dân đổ trộm vật liệu xây dựng xuống hồ nên nó bị hẹp lại. Vì vậy, để làm cho hồ xanh, sạch, đẹp và mở rộng diện tích hồ, UBND phường Khương Đình đề nghị quận Thanh Xuân đầu tư hơn 1 tỉ để kè hồ. Từ đó đến nay, nước hồ rất sạch vì không có đường ống nước nào đổ ra hồ.”
Vẫn theo bà Thái, người dân sống quanh hồ chủ yếu là cán bộ quân đội của binh đoàn 11 Bộ Quốc phòng và thanh niên xung phong đã nghỉ hưu nên họ có trách nhiệm, ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường hồ. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của người dân trong khu phố thì mỗi khi họp tổ dân phố, hoặc họp các ban ngành đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội cựu chiến binh… thì bà luôn vận động nhân dân quanh hồ giữ gìn môi trường hồ bằng cách: không đổ rác xuống hồ; thấy trường hợp nào cố tình xả rác thì yêu cầu vớt lên ngay; trồng cây xanh quanh hồ; không bẻ cây, hái lộc…
Trong cùng một phường, nhưng hồ này thì sạch, đẹp trong khi hồ kia lại ô nhiễm nặng nề. Thiết nghĩ, do ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường hồ chưa cao hay do sự quan tâm của UBND phường đến môi trường hồ chưa thực sự sát sao?
Bài và ảnh:Mai Đan