Bảo vệ đê điều Ninh Bình: Còn lắm âu lo

Tuyết Chinh| 09/09/2021 11:16

(TN&MT) - Những hạng mục đê, kè, cống chưa đáp ứng yêu cầu chống bão, lũ; các hành lang đê ngang nhiên bị lấn chiếm, xẻ thịt… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Do vậy, việc xác định rõ trọng điểm, hiện trạng các tuyến đê trước mùa mưa bão hết sức quan trọng để làm cơ sở xây dựng phương án hộ đê, chủ động ứng phó với bão, lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Tiềm ẩn sự cố

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, hiện nay trên địa bàn có tổng số 424,5km đê, gồm 1 tuyến đê cấp II, 8 tuyến đê cấp III, 5 tuyến đê cấp IV và 20 tuyến đê cấp V.

Với chiều dài toàn tuyến là 75,2 km, đê hữu Đáy chạy qua địa bàn tỉnh Ninh Bình bắt đầu từ cống Địch Lộng, xã Gia Thanh (Gia Viễn) qua địa bàn các huyện Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, Yên Khánh đến cống Như Tân của huyện Kim Sơn. Đây là tuyến đê thuộc hệ thống đê Quốc gia, nhiệm vụ chính là chống lũ, bảo vệ sản xuất, đời sống dân sinh, các khu kinh tế, chính trị, văn hóa với tổng diện tích vùng ảnh hưởng là 165,5 km2, dân số khoảng trên 200 nghìn người và các tuyến giao thông trọng yếu như Quốc lộ 1A (từ cầu Gián Khẩu đến thành phố Tam Điệp, Quốc lộ 10 (đoạn từ thành phố Ninh Bình đến cầu Khương Thượng, Yên Khánh), tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn từ thành phố Ninh Bình đến thành phố Tam Điệp.

Hành lang đê điều đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi những bãi cát vẫn ngang nhiên hoạt động ngay cả trong mùa mưa bão

Theo Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh Ninh Bình, mặc dù có vị trí, vai trò rất quan trọng nhưng thời gian qua, tuyến đê hữu Đáy luôn phải "oằn mình" gánh chịu cảnh xe trọng tải lớn lưu thông trên mặt đê ảnh hưởng đến an toàn kết cấu đê. Hiện tuyến đê hữu Đáy nhiều đoạn mặt cắt ngang đê còn nhỏ, chưa có cơ đê. Một số đoạn mặt đê bê tông đã bị vỡ vụn, sụt lún; kè mái đê nhiều đoạn bị bong tróc. Nhiều đoạn dòng chảy ép sát chân đê gây xói lở, bãi sông không còn.

Qua theo dõi, thống kê của cơ quan chức năng mặc dù một số đoạn thân đê, nền đê có nguy cơ cao đã được xử lý khoan phụt gia cố nhưng toàn tuyến vẫn còn trên 8 km đê bị rò rỉ, thẩm lậu, sạt trượt. Dưới chân đê còn trên 13km có đầm ao ven chân đê, điều này làm mái đê dễ bị thẩm lậu khi có lũ trên báo động II.

Bên cạnh đó, trên toàn tuyến đê hữu Đáy có 8 cống đã xuống cấp. Nguyên nhân do cống được xây dựng từ lâu, kết cấu bằng đá không còn phù hợp. Hiện nay, nhiều cống như: Cam Giá, Đồng Xuân, Bích Đào, Cống Cái, Yên Xuyên, âu Sông Mới, Thôn Năm, Lạc Thiện 1 đã xuống cấp, cánh cống bị han rỉ, thân cống ngắn, đỉnh cống thấp..., do đó cần được sửa chữa, xây mới để đảm bảo công tác phòng, chống lụt bão.

Cùng tình trạng như tuyến đê hữu Đáy, một số tuyến đê cấp III trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: đê tả Hoàng Long với tổng chiều dài gần 24km. Hiện nay, trên toàn tuyến đê tả Hoàng Long cũng hiện tượng lún, nứt mặt đê, nhất là đoạn từ Km6 - Km17 mặt đê bị lún nứt dọc theo tuyến đê. Nguyên nhân do đây cũng là tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn huyện Gia Viễn nên lượng xe lưu thông khá lớn; thân đê khi lũ lớn ngâm nước lâu ngày dễ xảy ra hiện tượng thẩm lậu, rò rỉ. Riêng cống Tân Hưng đã xây dựng lâu, thân cống ngắn so với thân đê; nhiều chỗ bị rò rỉ, hệ thống dàn van và bệ thao tác bằng bê tông cốt thép nhiều chỗ bị hỏng được xác định là trọng điểm xung yếu trong mùa mưa bão năm nay.

Nguy cơ mất an toàn đê điều trong mùa mưa bão còn đáng quan ngại hơn ở các tuyến đê cấp IV, V trên địa bàn các huyện. Đơn cử như tại huyện Nho Quan, tuyến đê Năm Căn có chiều dài 20,6 km bảo vệ 6 xã, thị trấn. Hiện nay mặt đê đã bị nứt, sụt lún tại nhiều điểm, nếu trời mưa kéo dài, nước sẽ đọng trong thân đê, có thể gây ra sự cố bất cứ lúc nào.

Không chỉ có mặt đê Năm Căn đang bị xuống cấp mà hiện nay hơn 61,5 km các tuyến đê bối và bờ vùng do UBND các xã quản lý, vận hành khai thác cũng đang xuống cấp, nhất là tại các khu vực thuộc xã Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Lâm. Hiện nay, Nho Quan cũng đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực trạng đê điều trên địa bàn để báo cáo với các cơ quan chuyên môn của tỉnh sớm quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí xử lý các điểm xung yếu của hệ thống đê điều, bảo đảm vững chắc, lâu dài để người dân yên tâm trước diễn biến của thời tiết ngày càng bất thường như hiện nay.

Còn tại huyện Yên Khánh, tuyến đê sông Mới có tổng chiều dài 2 bờ là trên 21km. Hiện nay, mặt đê hầu hết đã được gia cố rộng 4,2m nhưng một số đoạn mặt đê hư hỏng nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Đoạn đê tả trên địa bàn xã Khánh Hội, mặt đê bê tông bị gãy nứt, sụt lún nghiêm trọng với chiều dài khoảng 6m, lún sâu 0,2m. Nguyên nhân do nền đất yếu, phía đồng là ao sâu và có cống thoát nước chảy qua đê; mặt đê hữu sông Mới tại địa bàn xã Khánh Thiện cũng bị nứt, gãy, sụt lún chỗ sâu nhất là 1m.

Hành lang đê ngày đêm bị “xẻ thịt”

Không chỉ Những hạng mục đê, kè, cống chưa đáp ứng yêu cầu chống bão, lũ, trên các tuyến đê chính của Ninh Bình như đê Hoàng Long, đê hữu Đáy và các tuyến đê cấp 4, 5 ở địa phương... còn tồn tại 53 vụ việc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm hành lang đê. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu tháo dỡ, xử lý để đảm bảo an toàn cho đê trong mùa mưa bão nhưng đến nay các vi phạm vẫn tái diễn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 53/UBND-VP3 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, cát và bảo vệ hành lang đê điều trên địa bàn tỉnh, Sở đã ban hành Quyết định số 160/QĐ-SNN về việc kiểm tra các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021.

Tồn tại nhiều vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt, bão trên địa bàn Ninh Bình

Qua kiểm tra, tính đến ngày 27/4/2021 trên địa bàn toàn tỉnh còn tồn tại 53 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt, bão. Trong đó huyện Nho Quan còn tồn tại 7 vụ, huyện Gia Viễn 12 vụ, huyện Hoa Lư 7 vụ, thành phố Ninh Bình 3 vụ, huyện Yên Khánh 18 vụ, huyện Kim Sơn 5 vụ và huyện Yên Mô 1 vụ.

Đối tượng vi phạm chủ yếu là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ. Ngoài ra còn có một số hộ dân sống ven đê có các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các hành vi vi phạm trên chủ yếu là san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu xây dựng, than, xây dựng các công trình phụ trợ, nhà tạm, nhà xưởng, nhà điều hành, trạm cân, trụ cẩu, máng rót, trồng cây, đào ao thả cá... Hồ sơ, thủ tục pháp lý chưa đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, bãi sông.

Được biết, hằng năm, trước mùa mưa bão các cơ quan chức năng của tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm và xử phạt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hàng trăm triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các công ty tự tổ chức giải tỏa, tháo dỡ những công trình vi phạm ra khỏi phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.

Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ đê điều Ninh Bình: Còn lắm âu lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO