Những vùng đất ngập nước, những khu Ramsar là ngôi nhà của hàng nghìn loài sinh vật, là nguồn sống của hàng triệu người… Có lẽ vậy, Ramsar được ví như động lực của sự sống! Kỷ niệm Ngày Đất ngập nước năm 2020 (2/2), Ban Thư ký của Công ước Ramsar muốn nhấn mạnh hơn đến vai trò của đất ngập nước, từ đó, khơi dậy ý thức bảo vệ, giữ gìn của cộng đồng…
Đây là ý kiến của bà Hoàng Thị Thanh Nhàn (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) khi trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường.
bà Hoàng Thị Thanh Nhàn |
PV: Thưa bà, vì sao năm nay, Ban Thư ký của Công ước Ramsar lại chọn chủ đề là “Đất ngập nước là động lực của sự sống - Hãy bảo tồn đất ngập nước”?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn:
Các vùng đất ngập nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống trên hành tinh của chúng ta. Đất ngập nước cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia, bao gồm cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp, du lịch… Lúa gạo được trồng từ các vùng đất ngập nước là nguồn lương thực chủ yếu cho khoảng 3 tỷ người, chiếm khoảng 20% nguồn tiêu thụ dinh dưỡng toàn cầu. Các vùng đất ngập nước còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng; là nơi nghỉ dưỡng, giải trí và đóng góp đáng kể trong sự phát triển của ngành du lịch. Đến nay, các vùng đất ngập nước cung cấp sinh kế cho hơn 1 tỷ người trên thế giới.
Đặc biệt, đất ngập nước có khả năng dự trữ các bon (các vùng đất than bùn chứa đựng 30% lượng các bon ở mặt đất), điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; 40% các loài sinh vật trên Trái đất sinh sống và sinh sản ở các vùng đất ngập nước. Đa dạng sinh học vùng đất ngập nước góp phần làm sạch nguồn nước, chất ô nhiễm; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển.
Dù quan trọng như vậy, song đất ngập nước trên Trái đất đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, đến nay, đất ngập nước của thế giới đã biến mất đi 64% kể từ năm 1900. Nếu tính từ năm 1700, nhân loại đã bị mất xấp xỉ 87%. Cùng với sự suy giảm đất ngập nước, theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), các quần thể thủy sinh vật đã giảm đi 76% trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 2010. Tình trạng này vẫn có chiều hướng gia tăng nếu thiếu các hành động mạnh mẽ để bảo tồn đất ngập nước ở các quốc gia. Suy thoái quá mức của đất ngập nước sẽ dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái, đe doạ đến an ninh lương thực và sự phát triển của xã hội loài người.
Chính vì vậy, Ban Thư ký Công ước Ramsar - Công ước về bảo tồn các vùng đất ngập nước, đã chọn Chủ đề “Đất ngập nước là động lực của sự sống - Hãy bảo tồn đất ngập nước” (“Life thrives in wetlands - Wetland Biodiversity matters”) cho Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2020. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của đất ngập nước đối với toàn bộ sự sống trên Trái đất, đồng thời, kêu gọi mọi người chung tay để bảo tồn cho sự nghiệp phát triển bền vững trên hành tinh của chúng ta.
PV: Bà có thể phân tích rõ hơn giá trị của các vùng đất ngập nước mà Việt Nam hiện có?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn:
Theo số liệu thống kê, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.
Những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cần Giờ, Ba Bể, Tràm Chim,... là những điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước.
Đất ngập nước còn có giá trị về văn hóa, xã hội, lịch sử. Chính đất ngập nước là cội nguồn của nền văn minh lúa nước gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và nhiều phong tục của người dân Việt Nam. Đáng chú ý, đất ngập nước còn có giá trị về nghiên cứu khoa học và giáo dục để giúp con người hiểu biết đầy đủ hơn sự vận hành của các hệ thống tự nhiên, góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững.
Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam |
PV: Song song với những giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, mang lại giá trị kinh tế lớn, khai thác vùng đất ngập nước hiện nay còn thiếu bền vững và có nguy cơ gây tổn hại đến các khu vực này. Ý kiến của bà về vấn đề này?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn:
Đúng vậy! Các vùng đất ngập nước đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất và diện tích các vùng đất ngập nước bị thu hẹp do sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước gia tăng.
Tôi lấy ví dụ việc quai đê, lấn biển hoặc san lấp các ao, hồ để phát triển các khu công nghiệp, các đô thị hoặc hạ tầng du lịch, ngăn các dòng chảy để làm thuỷ điện, hồ chứa có thể làm suy thoái, thu hẹp một cách nhanh chóng các vùng đất ngập nước. Ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, sử dụng phân bón, hóa chất quá mức đã làm cho nhiều dòng sông không còn sức sống, các vùng biển ven bờ bị suy thoái nặng nề, điển hình là vụ ô nhiễm do chất thải từ khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây tổn thất nặng nề hệ sinh thái ven biển miền Trung. Việc khai thác, đánh bắt quá mức đã ảnh hưởng đến nguồn lợi và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước. Nhiều loài thủy sản có giá trị cao bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể, như cá anh vũ, cá lăng, cá chiên, tôm hùm, bào ngư, điệp...
Các kỹ thuật khai thác mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc và sốc điện để đánh bắt thủy sản chưa kiểm soát được ở cả vùng nội địa và ven biển, đang là mối đe dọa cao đối với các hệ sinh thái tự nhiên có mức đa dạng sinh học cao như sông, suối vùng núi, đầm hồ, thảm cỏ biển và rạn san hô ở vùng nước ven bờ biển của Việt Nam. Theo Sách Đỏ năm 2012 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (www.iucnredlist.org), Việt Nam có ít nhất 135 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu cư trú tại các sinh cảnh nước ngọt lục địa, bãi triều và ven biển. Số liệu này dự báo có thể gia tăng nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả.
PV: Vậy theo bà, đâu là giải pháp cần thực hiện để bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn:
Ngày 29/7/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Bộ TN&MT đang trong quá trình hoàn thiện và trình ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước giai đoạn 2020 đến 2030.
Theo tôi, các giải pháp cơ bản cần thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước: tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nghị định 66/2019/NĐ-CP; tăng cường phối hợp liên ngành bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước; thực hiện lồng ghép nội dung bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước trong quy hoạch quốc gia về đa dạng sinh học và quy hoạch tỉnh; tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước; nâng cao năng lực cơ quan liên quan trong quản lý đất ngập nước, đặc biệt các cơ quan ở cấp địa phương.
Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước, bao gồm cả việc xác định các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng và thành lập, quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước; điều tra, theo dõi diễn biến của các vùng đất ngập nước, nghiên cứu và thực hiện các biện pháp để bảo tồn các đặc tính, cấu trúc, chức năng của đất ngập nước, đặc biệt là đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước; phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái.
Đất ngập nước Việt Nam có diện tích khoảng 12 triệu héc ta, đa dạng về kiểu loại và phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước. Theo phân loại của Bộ TN&MT, Việt Nam có 26 kiểu loại đất ngập nước khác nhau, bao gồm đất ngập nước biển và ven biển, đất ngập nước nội địa và nhân tạo. Đa dạng sinh học của đất ngập nước cũng hết sức phong phú: ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.
Đồng thời, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý và khuyến khích sử dụng bền vững tài nguyên vùng đất ngập nước quan trọng; tăng cường thực hiện Công ước Ramsar và thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.
Mặt khác, cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!