Bảo tồn và phát triển thương hiệu chợ nổi Cái Răng

18/09/2015 00:00

(TN&MT) - Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) được nhiều người biết đến do việc mua bán diễn ra trên các tàu thuyền (tiếng địa phương gọi là ghe hàng) đậu trên sông....

 

(TN&MT) - Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) được nhiều người biết đến do việc mua bán diễn ra trên các tàu thuyền (tiếng địa phương gọi là ghe hàng) đậu trên sông. Nhiều năm qua, chợ này đã trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách về ĐBSCL. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hoạt động mua bán giảm, khách du lịch cũng có chiều hướng giảm, nhất là khách nước ngoài.

Hiện tại chợ nổi khi họp chợ chỉ có khoảng 250 tàu thuyền neo đậu, so với 10 năm trước giảm một nửa. Thời gian họp chợ trong ngày ngắn hơn trước, từ rạng sáng cho đến trưa. Chỉ trong những ngày lễ, tết, thời gian họp chợ lâu hơn hoặc cả ngày nhất là trong dịp cận Tết nguyên đán. Ngày thường, khách du lịch đến chợ nổi từ trưa trở đi chỉ thấy tàu thuyền neo đậu lác đác do chưa bán được hàng hoặc đang chuyển hàng lên xe tải. Nguyên nhân chợ vắng hơn trước chủ yếu là do hệ thống giao thông đường bộ đã thông suốt đến tận huyện, xã, việc chuyên chở hàng hóa, nhất là trái cây miệt vườn ở nhiều nơi chuyển đến TP Cần Thơ tiện lợi, nhanh hơn..., trừ những mặt hàng cồng kềnh như dưa hấu, cây kiểng, cà ràng, bếp xi măng, đồ gỗ...

Còn một số nguyên nhân khác làm giảm sức hấp dẫn của chợ nổi Cái Răng nhưng có một nguyên nhân nêu lên tại hội nghị do UBND TP Cần Thơ tổ chức vừa qua nhằm bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng được nhiều người chú ý: đó là do sông rạch có nhiều rác gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên! Việc xác định nguyên nhân này đã thể hiện sự thẳng thắn và tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan dự hội nghị.

Sông Cần Thơ khá rộng nên rác có trôi giữa sông, người ta cũng ít thấy nhưng đến khu vực chợ nổi và vào các chi lưu của sông Cần Thơ như rạch Cái Sơn, Cái Răng Bé, Cái Nai..., rác nổi trôi trên mặt nước với mật độ nhiều hơn, thậm chí bị tồn đọng ven bờ do không rút ra được theo thủy triều, đa số là túi nylon các loại, trái cây thối, vỏ dừa...

Tại chợ nổi, tuy số tàu thuyền neo đậu mua bán hàng hóa, trái cây có giảm nhưng một số dịch vụ mua bán khác lại xuất hiện như xuồng nhỏ bán hủ tiếu, cà phê, bán trái cây lẻ, quà lưu niệm (vì dễ cập vào các thuyền du lịch), thậm chí bán... vé số! Đa số rác từ các tàu thuyền lớn nhỏ này đều thải thẳng xuống sông. Tuy một số tàu thuyền du lịch có ý thức, đã sắp sẵn giỏ rác nhưng khách du lịch có xu hướng vất rác xuống sông luôn cho tiện!

Thật ra việc thu gom rác thải ở quận Cái Răng khá tốt. Đơn cử như trên đường Yên Hạ từ chợ Cái Răng dẫn đến cầu Cái Răng Bé, đến cầu Lê Bình, đến cầu Nước Vận, cầu Ấp Mỹ. Hoặc dọc theo đường Vòng Cung từ chợ An Bình xuống cầu Cái Sơn, qua chợ nổi, đi tiếp về Mỹ Khánh, Phong Điền. Hoặc đường Võ Tánh phía bên kia sông Cần Thơ... Những hộ ở dọc theo những con đường này, kể cả nhà ở ven sông, đều có giỏ rác đặt sẵn bên cổng nhà để xe vệ sinh đến dọn.

Nhưng vẫn còn tệ nạn vất rác thải xuống sông rạch từ những nơi mà lực lượng vệ sinh đô thị chưa với tới được. Ví dụ từ cầu ấp Mỹ vào sâu trong ngọn ngày càng đông dân cư, nhiều nhà trọ. Trừ nhà trọ ngay đầu đường có đặt sẵn thùng rác công cộng nhưng kể từ đó trở vào, mạnh nhà nào nhà nấy tự "xử lý"!.

Cho rằng chợ nổi Cái Răng giảm du khách do sông nhiều rác thải là phiến diện bởi còn do nhiều nguyên nhân khác chi phối, trong đó có một nguyên nhân khách quan là sự cạnh tranh của một số điểm du lịch miệt vườn khác đang nổi lên và gần TP Hồ Chí Minh hơn như ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long...

Hiện quận Cái Răng đang khẩn trương xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng trình UBND thành phố duyệt. Trước mắt, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo quận Cái Răng sớm thực hiện một số giải pháp cụ thể như: thành lập chợ bán trái cây, chợ đêm; xây một số cầu tàu bảo đảm an toàn cho du khách, lập đài quan sát sẵn sàng ứng cứu tai nạn trên sông; thuyền du lịch tổ chức đờn ca tài tử phục vụ du khách; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, ổn định giá cả; xây dựng mối quan hệ mua bán có văn hóa, lịch thiệp, hiếu khách; thậm chí không thu thuế đối với các tiểu thương đang mua bán trên chợ nổi... Riêng về rác, quận Cái Răng cần phát động nhân dân, kể cả các tàu thuyền chở hàng, người mua bán, khách du lịch không đổ rác thải xuống sông, mặt khác tổ chức thu gom, vớt rác thải  trên sông, trước hết là tại khu vực chợ nổi và trên những tuyến khách du lịch hay đi tham quan. Thực hiện tất cả những điều như thế mới hy vọng TP Cần Thơ sớm lấy lại "thương hiệu" một chợ nổi vốn nổi tiếng từ lâu...

Thanh Chí

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phát triển thương hiệu chợ nổi Cái Răng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO