Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL

26/06/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 26/6/2015, tại TP.Cần Thơ, GS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ; TS. Văn...

 

(TN&MT) - Ngày 26/6/2015, tại TP.Cần Thơ, GS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ; TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam đã chủ trì Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL lần thứ 7, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, khẳng định vùng ĐBSCL có vị trí quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái đem lại giá trị xuất khẩu lớn. ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích đất liền 39.712km2 chiếm 12% diện tích cả nước, có hải phận rộng trên 360 nghìn km2, dân số khoảng 17 triệu người. Có nhiều đặc điểm tự nhiên nổi bật. Cùng với việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước và bảo tồn đa dạng sinh học sẽ là vấn đề cốt lõi nhất, góp phần hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của vùng.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phát biểu tại diễn đàn.

ĐBSCL cung cấp một lượng lớn nước ngọt khoảng 460 tỉ m3 cho phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hàng năm, gần một nửa diện tích đất ngập lũ từ 3-4 tháng đã mang đến phù sa màu mỡ cho đất và nguồn thủy sản dồi dào. Tuy nhiên, nước của sông Cửu Long đang bị suy giảm do lượng phù sa và các chất dinh dưỡng kèm theo bị các đập thủy điện trên sông Mê Kông chặn lại. Với hệ thống sông kênh rạch dày đặc và trên 700km bờ biển, cùng điều kiện về khí hậu, địa hình, thủy hải văn và nhất là tác động của vận chuyển trầm tích trong thời gian qua đã làm cho tình hình sạt lở diễn ra hết sức phức tạp có nguy cơ gia tăng cả về phạm vi và quy mô ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định dân sinh, các công trình đê điều, phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng trong khu vực. ĐBSCL còn là nơi chứa đựng những giá trị vô giá về đa dạng sinh học tại các khu vực Đồng Tháp Mười, rừng tràm U Minh, Kiên Giang và các vùng rừng ngập mặn cửa sông ven biển tuy nhiên những nơi này cũng bị tác động tiêu cực do sự thay đổi về trầm tích của sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, nhấn mạnh: “Một trong những nguyên nhân chính gây ra thay đổi chất lượng nước, suy thoái đất và suy giảm đa dạng sinh học là do những năm gần đây việc phát triển nhanh nguồn năng lượng thủy điện trên các chỉ lưu và dòng chính của sông Mê Kông cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội của các nước tiểu vùng sông Mê Kông đã làm thay đổi số lượng và chất lượng trầm tích của sông Cửu Long gây tác động tiêu cực lên môi trường và các tài nguyên của ĐBSCL”.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn.

Qua nghiên cứu, theo dõi trầm tích và vai trò của nó trong hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL, GS. Hubert Loisel (Université du Littoral – Pháp), cho biết lượng trầm tích tại ĐBSCL suy giảm 5%/năm ở vùng rìa châu thổ. Xu hưởng giảm mạnh trong mùa lũ. Sự suy giảm này không thể giải thích được bằng điều kiện hải dương học. Xu thế này là do những gì xảy ra trên dòng sông Mê Kông. Quan sát năm 2007 cho thấy đồng bằng bị xâm mặn và đang bị thu hẹp, nó không tiến ra biển như trước nữa. Tốc độ xâm thực bờ biển (đã quan sát thấy) là 13m/năm. Các tác động dự kiến đối với quá trình tổng hợp vật chất hữu cơ và mức dinh dưỡng cao hơn (các loài cá). Thay đổi về thời gian bùng nổ sinh vật phù du. Sông Mê Kông đem lại ít dinh dưỡng hơn, vì vậy sinh khối động vật phù du sẽ ít hơn.

Ông Marc Goichot, chuyên gia về thủy điện và năng lượng vùng Mê Kông của WWF, trao đổi với TS. Đào Trọng Tứ bên lề diễn đàn.
Ông Marc Goichot, chuyên gia về thủy điện và năng lượng vùng Mê Kông của WWF, trao đổi với TS. Đào Trọng Tứ bên lề diễn đàn.

Ông Marc Goichot, cán bộ WWF, chuyên gia về thủy điện và năng lượng vùng Mê Kông, qua nghiên cứu những thay đổi gần đây về sự di chuyển trầm tích từ sông Mê Kông tới các đồng bằng, đi đến khẳng định: sông Mê Kông và đặc biệt là vùng châu thổ đã phản ứng lại những thay đổi trong lưu vực sông, cho thấy độ nhạy cảm lớn với mức độ thay đổi hiện tại. Lượng trầm tích lơ lửng đã giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 75 triệu tấn/năm (từ năm 1992 tới năm 2014). Việc Khai thác cát và các đập nước có tác động cộng hưởng, làm ảnh hưởng sâu sắc tới sự di chuyển trầm tích và rất có thể là hai yếu tố chinh làm cho các luồng lạch bị xâm thực và sự thoái lui về đất liền của các đồng bằng ven biển và biến đổi khí hậu là yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình. Các tác động gồm có: mất đất, hư hại các cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu và đê) tăng xâm nhập mặn, thay đổi tình hình lũ lụt và đa dạng sinh học (ngoài ra còn có tác động từ việc giảm di chuyển trầm tích mịn (phù sa), giảm sự màu mỡ của đất, giảm năng suất nông nghiệp, cá & thủy sản tự nhiên, và đa dạng sinh học). Các tác động của việc khai thác cát đang được cảm nhận nhanh chóng hơn nhưng có thể đảo ngược nếu cán cân trầm tích được quản lý một cách hợp lý. Các đập thường là giữ lại trầm tích thô và trong nhiều trường hợp các tác động này là không thể đảo ngược được.

Ông Marc Goichot cho rằng: Đối với ĐBSCL nên vừa xây đập vừa có giải pháp mềm. Làm sao có thể vừa phát triển kinh tế từ khai thác cát vừa phải bảo tồn quản lý trầm tích đối với hệ sinh thái. Chúng ta có thể tìm kiếm thêm các nguồn cát thay thế. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì không có đập thủy điện nào có hầm xả trầm tích về hạ nguồn. Chúng tôi nghiên cứu để khẳng định lượng trầm tích bao nhiêu là đủ để duy trì bền vững dòng sông. Để giúp các bên sử dụng có thể cân nhắc. Cần có sự bắt tay giữa nhà khoa học và nhà quản lý để đưa ra các chính sách quản lý phù hợp.

TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Theo Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, để khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên trên một con sông chảy qua 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL rất cần có sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các tỉnh thành nhằm đưa ra một quy chế quản lý thống nhất và hợp tác liên tỉnh trong quản lý khai thác cát sỏi và thực thi pháp luật một cách triệt để. Mỗi địa phương cần có chương trình hành động huy động được nguồn lực địa phương mình, WWF cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tư vấn để địa phương thực thi kế hoạch hành động thành công, góp phần vào hành động chung của vùng ĐBSCL.

Từ diễn đàn lần này, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, đề nghị các cấp ngành và địa phương cùng mỗi người dân tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương thức quản lý, khai thác, sử dụng bền vững trầm tích ở ĐBSCL. Lồng ghép quản lý, khai thác, sử dụng bền vững trầm tích với bảo tồn, phát triển bền vững vùng đất ngập nước và duy trì các dịch vụ sinh thái vào các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển có liên quan, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá các giải pháp phát triển bền vững, gắn bảo tồn với xóa đói giảm nghèo tại các vùng đất ngập nước. Tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá tác động của vận chuyển trầm tích đến tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên sinh vật tại các vùng đất ngập nước; tiến hành đề xuất xây dựng chiến lược bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam; khoanh vùng bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia và địa phương, tiếp tục đề cử các khu Ramsar tại khu vực ĐBSCL. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, chia sẻ thông tin, hợp tác nghiên cứu lưu vực sông Mê Kông nói chung và vấn đề vận chuyển trầm tích nói riêng; sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Bài & ảnh: Hùng Minh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO