Bảo tồn nguyên vẹn con đường cổ nghìn năm ở thánh địa Mỹ Sơn

05/05/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 5/5, ông Phan Hộ, Trưởng Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam vừa phát hiện con đường cổ rộng 8 m bị chôn vùi dưới lòng đất trong quá trình tiến hành trùng tu tháp Chămpa.

Tháp A đang được khai quật, trùng tu
Tháp A đang được khai quật, trùng tu

Từ giữa tháng 4, nhóm chuyên gia Ấn Độ và cộng sự người Việt Nam bắt đầu thực hiện đợt cao điểm khai quật và trùng tu tháp K, tháp H trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Trong quá trình khai quật, nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một con đường cổ dẫn vào tháp này. Theo quan sát cho thấy, tuyến đường cổ vừa mới phát lộ từ phía sau tháp K rộng khoảng 10m, nằm giữa 2 bờ tường dẫn song song với nhau. Bờ tường dẫn mỗi bên rộng 0,6m, móng tường dẫn nằm sâu cách mặt đất khoảng 1m, được xây bằng gạch gạch nung và phụ gia kết dính đặc biệt, nhiều đoạn tường dẫn còn khá nguyên vẹn.

Để bảo tồn di sản quý giá, trong đợt trùng tu này, thay vì chỉ thực hiện trùng tu tháp K, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thống nhất phương án cùng lúc thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa trùng tu chống đổ ngã cho tháp K, vừa trùng tu, bảo tồn đoạn đầu của con đường và hai tường dẫn khoảng 50m. Phần còn lại của con đường cổ và hai bờ tường dẫn hiện vẫn còn ẩn chìm trong lòng đất Mỹ Sơn vốn chứa nhiều bí ẩn.

Con đường cổ dẫn vào tháp K mới vừa phát lộ
Con đường cổ dẫn vào tháp K mới vừa phát lộ

Dịp này, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện nhiều hiện hiện vật có giá trị như hai tượng đá thân người đầu sư tử, các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ.

Ông Danve, kỹ sư, nhà Bảo tồn học Ấn Độ, thành viên nhóm trùng tu tôn tạo Di sản Mỹ Sơn chia sẻ: Chúng tôi phát hiện được hai pho tượng mình người đầu sư tử và các hiện vật có giá trị khác, đây là một điều đặc biệt. Tất cả đều được bảo quản và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để áp dụng vào thực tế trùng tu tôn tạo tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Đối với con đường cổ và hai bờ tường dẫn. Đây có thể là hai bờ tường dẫn của tuyến đường ngày xưa được dùng cho hoàng gia và các chức sắc tôn giáo đi lại trong mỗi dịp vào khu đền tháp để hành lễ. Việc phát lộ tuyến đường cổ và hai tuyến đường dẫn đóng góp giá trị lớn về mặt khoa học, kiến trúc và nghệ thuật…

Công nhân đang trùng tu bờ tường của đường cổ
Công nhân đang trùng tu bờ tường của đường cổ

Để trùng tu, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị cổ xưa của di sản, tất cả mọi thứ từ vật liệu, kiến trúc của di tích đến những phát hiện mới trong quá trình khai quật đều được chúng tôi đánh dấu và bảo quản hết sức cẩn thận để phục vụ việc trùng tu, nhằm mục đích bảo tồn di sản một cách nguyên vẹn nhất. 

Ông Phan Hộ- Trưởng Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: Việc phát lộ tuyến đường cổ và bờ tường dẫn vào tháp K sẽ làm phong phú thêm những giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật mà người xưa đã tạo lập trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học sẽ sớm có kết luận về quy mô, mục đích và ý nghĩa của tuyến đường để vừa góp phần làm tăng thêm giá trị cổ xưa của Di sản, vừa từng bước giải mã những huyền bí ngàn năm trong lòng tháp cổ Mỹ Sơn. Được biết, dự án trùng tu, tôn tạo nhóm tháp K, H và A khu di tích Mỹ Sơn là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ với tổng kinh phí 60 tỉ đồng được thực hiện từ năm 2016-2021; trong đó phía Ấn Độ tài trợ 50 tỉ đồng và còn lại là vốn đối ứng từ Việt Nam. Dự án gồm khai quật, chống đỡ, trùng tu và khôi phục một phần các nhóm tháp K, H và A.

Tin, ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn nguyên vẹn con đường cổ nghìn năm ở thánh địa Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO