Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia đang dậm chân tại chỗ do thiếu vốn. Được biết, dự án được khởi động xây dựng từ năm 2014, nhưng cho tới nay mới chỉ hoàn thiện khâu giải phóng mặt bằng và công tác chuẩn bị đầu tư.
Phối cảnh Bảo tàng lịch sử quốc gia |
Theo văn bản gửi Thủ tướng, Bộ xây dựng cho biết, mặc dù các bộ liên quan đã nhiều lần có kiến nghị nhưng đến thời điểm hiện tại, kinh phí chuẩn bị đầu tư các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 vẫn không được bố trí. Các Ban quản lý dự án (bao gồm cả Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, chi trả tiền lương và Bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức.
Để sẵn sàng khởi công dự án vào năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng kiện toàn và tổ chức họp Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để nghe các Bộ có liên quan báo cáo tình hình thực hiện cụ thể và chỉ đạo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015.
Được biết, dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha, gồm bốn hạng mục xây dựng: tòa nhà chính, khu tưởng niệm danh nhân, khu trưng bày ngoài trời, hạng mục kỹ thuật phụ trợ - cây xanh - cảnh quan. Riêng tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất hơn 20.000m2, một tầng hầm và 6 tầng nổi, bao gồm kho lưu giữ hiện vật qua các thời kỳ; trung tâm bảo quản và phục chế; hội trường, các phòng hội thảo, chiếu phim phục vụ công tác nghiên cứu, học tập …
Phạm Văn