Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định như vậy về tình hình bão số 8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chiều 23/10.
Ông Khiêm cho biết, bão số 8 mạnh nhất khi đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa với cường độ cấp 12-13, giật 15. Bão di chuyển theo hướng Tây hướng về khu vực đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị, trong đêm 23 đến rạng sáng 24/10 bão có khả năng suy yếu khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, khi di chuyển vào gần bờ bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp |
Chuyên gia khí tượng thuỷ văn nhận định, bão số 8 sẽ gây mưa ở các tỉnh Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế, lượng mưa từ ngày 24-25/10 từ 100-150mm, có nơi trên 200mm. Ở khu vực vịnh Bắc Bộ, các khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2-4m.
Trước diễn biến của bão, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tập trung thực hiện nhiệm vụ kép là ứng phó bão và khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác ứng phó với bão số 8 và khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung trong đó Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản, lực lượng kiểm ngư và các địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo tuyệt đối an toàn trên biển.
Đặc biệt, các tàu đang nằm trong khu vực nguy hiểm, trong đó có 1 tàu của tỉnh Bình Định với số hiệu BĐ 97126/TS cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo liên lạc, hướng dẫn tàu di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Cần tiếp tục siết chặt việc quản lý tàu thuyền đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm đối với các tàu, chủ tàu không tuân thủ công tác đảm bảo an toàn khi có thiên tai.
"Phải đặc biệt chú ý đến hoạt động của tàu vãng lai, tàu vận tải và các hoạt động liên quan đến du lịch trên các đảo. Các lực lượng chức năng phải kiểm soát tốt các hoạt động này nhằm đảm bảo an toàn về người, tài sản. Các địa phương kiểm tra có phương án để đảm bảo an toàn cho các hộ dân tại vùng còn đang ở khu vực ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đặc biệt tại các huyện còn ngập của tỉnh Quảng Bình". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo tại cuộc họp |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ ngày 6/10 đến thời điểm này liên tục xảy ra 3 cơn bão kèm mưa lớn, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện ngoài xa phía Đông Philippin đang hình thành một nhiễu động trên nền dải hội tụ nhiệt đới và có thể phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão. Do vậy, các đơn vị chức năng phối hợp các địa phương liên tục theo dõi diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới trong đó hết sức chú ý đến 2 hồ lớn là hồ Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) và hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế) để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.
“Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến bão số 8 và các hình thái khác, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hoá đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 phương tiện/289.298 người biết diễn biến của bão số 8 để di chuyển vòng tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Tính đến 17h30 ngày 23/10 tầu cá số hiệu BĐ 97126 TS hiện đang an toàn. Hiện còn 01 tầu 4 người đang hoạt động trong vùng nguy hiểm.