Hướng đi của bão số 8 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia |
Đây là thông tin đưa ra tại Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì sáng ngày 21/10.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, bão số 8 (Saudel) đã đi vào khu vực biển Đông với cường độ cấp 8, cấp 9, giật cấp 11. Lúc 7 giờ sáng nay (21/10), vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông Đông Nam.
So với các cơn bão trên biển Đông năm nay, các trung tâm quốc tế dự báo cơn bão số 8 ở phổ tương đối rộng về cả hướng di chuyển, cường độ và vùng ảnh hưởng. Cường độ mạnh nhất bão số 8 mạnh cấp 11,12 khi bão di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam); khi vào đất liền nước ta, cường độ mạnh khoảng cấp 8, cấp 9. Trong đó, Nhật Bản dự báo bão vào biển Đông di chuyển chậm lại, sau đó đổi hướng Tây Bắc rồi theo hướng Tây với cường độ mạnh nhất cấp 11, vùng ảnh hưởng di chuyển từ Bắc đến hết Nam Trung Bộ; Hồng Kông nhận định bão vào biển Đông di chuyển chậm lại, sau đó đổi hướng Tây Bắc rồi theo hướng Tây và mạnh lên cấp 12 trên vùng biển phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia |
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phân tích tình hình khí quyển đại dương có thể ảnh hưởng đến hướng di chuyển và cường độ của bão trong 2, 3 ngày tới. Từ khu vực Hoàng Sa về phía Đông bề mặt nước biển nhiệt độ khá cao là điều kiện thuận lợi để cơn bão tăng cấp. Khu vực quần đảo Hoàng Sa sẽ tăng cường độ và đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, cấp 12 giật cấp 14; đến đêm ngày 24, ngày 25/10 ảnh hưởng khu vực đất liền các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Bão có khả năng giảm cấp do gặp không khí lạnh khi vào đất liền.
Với điều kiện như vậy, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo, ngay trong ngày và đêm nay (21/10), khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8; sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12, biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 5-7m.
Do vẫn duy trì không khí lạnh, ở phía Bắc khu vực vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2-4m.
Ông Khiêm lưu ý, nếu vẫn duy trì theo tương tác trên, khả năng mưa trước bão không lớn mà tập trung vào thời điểm hoạt động của cơn bão với lượng dự kiến từ 200-300mm ở khu vực trọng tâm. Hoàn lưu sau bão sẽ hình thành rãnh thấp, tuy nhiên do hoạt động gió Đông không mạnh nên mưa sau bão sẽ không lớn như những đợt vừa qua. Nhưng khu vực chịu ảnh hưởng của bão vừa chịu thiên tai vừa rồi cần đặc biệt lưu ý.
Chuyên gia khí tượng thuỷ văn cho biết thêm, hiện nay lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đang xuống. Chỉ còn trên sông Kiến Giang tại Lệ Thuỷ có mực nước lúc 5 giờ ngày 21/10 là 3,88m, trên BDD3 1,18m. Cần đề phòng nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; ngập lụt sâu diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và nguy cơ cao xảy ra mất an toàn tại các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ xung yếu.