Bão số 7 sẽ đổ bộ đất liền nước ta trong ngày 14/10

Tuyết Chinh| 13/10/2020 14:36

(TN&MT) - Dự báo, bão số 7 sẽ đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong ngày mai (14/10). Các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và cụ thể các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới.

Sáng 13/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (TW về PCTT) họp về ứng phó bão số 7.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp sáng nay (14/10)

Bão số 7 gây mưa lớn ở Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, lúc 10 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 20,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. 

Đường đi và vị trí bão số 7, cập nhật tại bản tin lúc 11 giờ ngày 13/10/2020 của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Ở khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, ngày mai (14/10) tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An có nước dâng do bão cao 0,5m.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.

Chủ động “đón bão”

Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, ngày mai (14/10), bão số 7 đã ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong khí đó mưa lớn vẫn đang tiếp tục diễn ra tại vùng Trung Bộ; đặc biệt là Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Tình hình ngập lụt ở các tỉnh mặc dù đã giảm những vẫn trong khu vực ngập sâu; đồng thời, đã xuất hiện sạt lở ở khu vực miền núi.

Trước tình hình đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và cụ thể các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1393/CĐ-TTg về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới. Tiếp tục sơ tán dân đến vùng an toàn, đặc biệt công tác cứu hộ, chú trọng khắc phục hỗ trợ thiệt hại, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng lũ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin về tình hình bão số 7

Cụ thể, ông Thành đề nghị các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tập trung đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển; đặc biệt theo dõi sát sao, chỉ đạo ở những khu vực nguy hiểm (hiện nay còn 86 tàu cùng 678 lao động đang trong khu vực nguy hiểm cần theo dõi chặt chẽ).

“Bộ đội biên phòng, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục thủy – hải sản (Bộ Nông nghiệp) cần tiếp tục rà soát, chỉ đạo các địa phương, các cảng vụ hướng dẫn lao động trong trường hợp bão vào, trường hợp lũ ở các sông nhất là khu vực neo đậu cửa sông và có thể lũ cao về”, ông Thành nói.

Lưu ý vấn đề nuôi trồng thủy sản ven biển, Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Thành yêu cầu cương quyết hơn đảm an toàn cho người dân.

Đối với khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, chằng trống nhà cửa, có phương án di dời dân ở khu vực thấp trũng, đặc biệt là khu vực ven biển gió mạnh sẽ có nguy cơ cao.

Với các công trình đang thi công, hay công trình đang có sự cố, đề điều, thủy lợi, thủy điện, đề nghị các đơn vị, Bộ, ngành, địa phương phải đi rà soát xem với tình hình mưa thực tế, tích nước vào hồ đập có an toàn không. Riêng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong trường hợp bão vào, cần kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn, cử người thường trực vận hành theo dõi và xử lý các tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 7 sẽ đổ bộ đất liền nước ta trong ngày 14/10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO