Sáng 9/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp chỉ đạo ứng phó với bão số 12.
Bão số 12 gây mưa rất to
Theo ông Khiêm, từ chiều 9/11 đến 12/11, từ tỉnh Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa phổ biến 200 - 400 mm/đợt, có nơi trên 400mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt.
Từ đêm ngày 9 - 13/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; các sông ở Quảng Bình và khu vực Nam Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2. “Cảnh báo rất cao về tai biến địa chất ở khu vực trên”, ông Khiêm lưu ý.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Ảnh: ND |
Trước thông tin về diễn biến về bão số 12, đến 6 giờ ngày 9/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tình hình tàu thuyền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người biết diễn biến của bão để di chuyển tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
“Hiện, vẫn còn 4 phương tiện/29 người (Bình Định) đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão, các tàu đã biết diễn biến của bão, đang di chuyển phòng tránh”, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin.
Với kịch bản bão số 12 như trên, các tỉnh đã có kế hoạch di dân tương ứng với bão mạnh cấp 8 - 11. Theo đó, dự kiến di dân 103.644 hộ/403.426 người (Bình Định 15.761/64.530; Phú Yên 30.162/107.371; Khánh Hòa 37.837/151.349; Ninh Thuận 9.529/38.116; Bình Thuận 10.355/42.060). Các tỉnh đang tiếp tục rà soát cho phù hợp với diễn biến của bão. Hiện tại, các tỉnh chưa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học.
Không để xảy ra thiệt hại như bão Damrey năm 2017
Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện nay, cả xã hội đang dồn lực cùng với đồng bào miền Trung tích cực vào cuộc giải quyết hậu quả các đợt “bão chồng bão, lũ chồng lũ” vừa qua.
Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài đề nghị sẵn sàng các phương án ứng phó với cơn bão số 12. Trong đó, quyết liệt đảm bảo an toàn cho hoạt động trên tuyến biển.
Theo ông Hoài, người dân đang rất nóng ruột cho việc ra khơi, thực tế là dù bão chưa tan nhưng một số tàu đã hoạt động, một số tàu còn trong khu vực nguy hiểm. Với cơn bão này, nếu chủ quan, kể cả tàu lớn cũng có thể xảy ra mất an toàn, chưa kể nguy cơ của cơn bão sau đó. Do vậy, đề nghị thông tin kịp thời, quyết liệt đến tất cả các khu vực trên biển.
“Ngay đêm nay, đồng loạt bắn pháo hiệu thông tin đến toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực nguy hiểm, kiểm đếm chặt chẽ tàu thuyền cả tàu đánh bắt thủy, hải sản, tàu vận tải vào khu vực neo đậu an toàn”, ông Hoài nói.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TWPCTT chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: ND |
Phó trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý khu vực lồng bè nuôi trồng thuỷ sản thời gian qua chịu ảnh hưởng thiên tai mức độ nhẹ nên còn tâm lý chủ quan; cần tránh xảy ra thiệt hại như cơn bão Damrey 2017. Khu vực các đảo, phải thông báo thông tin kịp thời để khách du lịch phải trở về bờ, sẵn sàng nhu yếu phẩm cho bà con trên đảo.
Cũng theo ông Hoài, hiện nay, vẫn còn số lượng nhà dân bị sập đổ do bão số 9 chưa khôi phục lại được, đang phải đi sơ tán, một số nhà dân sập đổ một phần đang khôi phục… Do vậy, phải đảm bảo an toàn cho khu vực sơ tán về cả lương thực, vệ sinh môi trường.
“Chuẩn bị sẵn sàng kịch bản sơ tán với từng cấp bão bão số 9, 10 và kích hoạt sơ tán dân đảm bảo an toàn. Đặc biệt, khu vực miền núi tính ngay phương án cho các vùng dân đang chịu tác động nặng nề của lũ quét, sạt lở đất. Kích hoạt toàn hệ thống đảm bảo an toàn giao thông ứng phó, đồng thời, hai yếu tố “bão - lũ”, ông Hoài nhấn mạnh.