Bão ở Trung Quốc và châu Á có thể mạnh gấp đôi vào năm 2100

Mai Đan - Tổng hợp từ South China Morning Post| 30/12/2021 10:47

(TN&MT) - Một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung tâm nghiên cứu cảnh báo - dự báo thời tiết ở Thâm Quyến vừa cho biết, bão ở Trung Quốc và châu Á có thể mạnh gấp đôi vào cuối thế kỷ này.

Khu vực đất liền chịu hiểm họa cao do bão

Francis Tam Chi-yung, Phó Giáo sư Chương trình Khoa học Hệ thống trái đất của Đại học Hồng Kông, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết, dựa trên các dự báo về mô hình khí hậu có độ phân giải cao, sự nóng lên toàn cầu có thể tiếp tục làm tăng xu hướng bão đổ bộ và ảnh hưởng của chúng đối với khu vực đất liền.

“Tại châu Á, hậu quả của biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều khu vực đất liền phải hứng chịu những hiểm họa nghiêm trọng liên quan đến bão trong tương lai. Do đó, cần lập kế hoạch dài hạn để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó và chống chịu với thiên tai ở vùng đất liền” - ông Tam cho biết thêm.

Theo nghiên cứu, tốc độ gió trung bình khi bão đổ bộ có thể tăng 6%, tương đương tăng 7,2km/h. Ảnh: AP

Theo nghiên cứu, sức tàn phá của bão ở Châu Á có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2100. Các dự đoán được đưa ra dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu trong trường hợp xấu nhất.

Theo đó, tốc độ gió trung bình khi bão đổ bộ có thể tăng 6%, tương đương tăng 7,2km/h. Một cơn bão trung bình được dự báo sẽ kéo dài hơn khoảng 5 tiếng (tăng 56%), di chuyển vào đất liền xa hơn 92km (tăng 50%) và tăng gần gấp 2 lần sức tàn phá tổng thể.

Các nhà nghiên cứu cho biết, từ năm 1979 đến năm 2016, các cơn bão duy trì trong thời gian từ 2 - 9 tiếng và tiến sâu hơn vào đất liền từ 30 - 190km.

Biến đổi khí hậu có thể làm tăng cường độ bão

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, gió mạnh, mưa lớn và triều cường đã cướp đi sinh mạng của gần 780.000 người và gây thiệt hại kinh tế toàn cầu hơn 1,4 nghìn tỷ USD trong 5 thập kỷ qua.

Theo nghiên cứu, sự ấm lên của các đại dương do biến đổi khí hậu có thể làm tăng cường độ bão và kéo dài khoảng cách chúng di chuyển trong đất liền, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Trong đánh giá mới nhất vào tháng 4, các chuyên gia của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) dự đoán với độ tin cậy cao rằng, khi tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục diễn ra, tần suất của các xoáy thuận nhiệt đới dữ dội và sức gió mạnh nhất của những cơn bão lớn nhất trên khắp thế giới sẽ tăng lên.

Một tập hợp các kịch bản khác được thông qua trong phân tích mới nhất vào tháng 8/2021 dự đoán, nhiệt độ Trái đất có thể tăng từ 2,7 - 4,4 độ C vào năm 2100. Theo nghiên cứu của Đại học Hồng Kông, nếu thế giới không đưa ra được một giải pháp hiệu quả và có sự phối hợp, lượng khí thải nhà kính sẽ tăng trong suốt thế kỷ.

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Nhóm Môi trường Trái đất xanh, Edwin Lau Che-phong cho rằng, phát hiện của Đại học Hồng Kông không gây ngạc nhiên, đặc biệt khi các nhà khoa học đã ước tính dựa trên tình huống xấu nhất.

“Chúng ta hiện phải làm việc để giảm nguồn gây sức mạnh cho các cơn bão và hướng tới quá trình trung hòa các-bon. Tôi tin rằng, Trung Quốc đang hành động và các công ty điện lực đang chịu áp lực. Trận lũ lụtđã đổ bộ vào Hà Nam và gây thiệt hại lớn về người trong năm 2021 là trận lũ lụt không thể quên. Không ai có thể chắc chắn rằng Hồng Kông sẽ không trải qua thảm họa thời tiết tương tự”, Giám đốc Lau nhấn mạnh.

Theo Sở Phát triển và Kỹ thuật Dân dụng của Hồng Kông, Sở này sẽ bắt đầu thực hiện một nghiên cứu về quản lý đường bờ biển, phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của các khu vực ven biển. Nghiên cứu sẽ giúp hình thành các chiến lược thích ứng dài hạn và các biện pháp bảo vệ để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hồng Kông rất dễ bị lở đất, đặc biệt trong trường hợp mưa lớn. Năm 2017 và 2018, Hồng Kông đã phải hứng chịu 2 siêu bão gây thiệt hại trên diện rộng do lũ lụt và cây đổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão ở Trung Quốc và châu Á có thể mạnh gấp đôi vào năm 2100
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO