Báo Người Lao Động trao giải Cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm”

Lê Khanh| 28/08/2021 12:04

(TN&MT) - 9 giờ sáng ngày 28-8, Báo Người Lao Động tổ chức Tổng kết và trao giải Cuộc thi “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” bằng hình thức trực tuyến có sự hiện diện của lãnh đạo ban, ngành trung ương, TP.HCM, Bộ Tư lệnh Hải quân, các tác giả đoạt giải trong và ngoài nước...

Phông nền Lễ trao giải Cuộc thi “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm”, ảnh Ban tổ chức

Sức lan toả sâu rộng

Đây là Cuộc thi viết “tầm cỡ” không chỉ thu hút bạn viết trong và ngoài nước về vấn đề được coi là “nhạy cảm” nhất hiện nay về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; mà còn “tầm cỡ” về giải thưởng lên đến 120 triệu đồng, cùng với những “khắt khe, công tâm” của ban tổ chức trong những khâu, những bước chấm giải.

Cuộc thi “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” lần 1 năm 2020-2021 do Báo Người Lao Động được phát động từ ngày1-8-2020 thời hạn nhận bài dự thi đến hết ngày 15-5-2021. Ban Tổ chức đã ghi nhận có 191 tác phẩm dự thi của 165 tác giả. Trong đó, khoảng 60% tác phẩm tập trung cung cấp thông tin tư liệu, tài liệu lịch sử khẳng định pháp lý, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là quá trình xác lập, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 40% tác phẩm là cảm nhận về tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam; ca ngợi sự cống hiến, hy sinh của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư; phản ánh về cuộc sống ngư dân và quá trình bám biển của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; tuyên truyền, kêu gọi về nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong các tầng lớp nhân dân.

Đối tượng tham gia dự thi Cuộc thi Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” lần 1 khá đa dạng, gồm các chuyên gia nghiên cứu về biển Đông, nhà nghiên cứu lịch sử; giáo viên, sinh viên, nghiên cứu sinh; giới văn nghệ sĩ, hội viên hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành; phóng viên, cộng tác viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; cán bộ, chiến sĩ Hải quân, lực lượng kiểm ngư đang công tác, thực thi nhiệm vụ trên biển; một số kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Theo đánh giá từ Ban tổ chức, sức lan toả rộng rãi của Cuộc thi không chỉ chất lượng, trình độ sáng tác, kỹ năng viết và cảm thụ tác phẩm báo chí; mà thu được đông đảo bạn đọc tham gia dự thi. Cuộc thi như một sự đồng hành và thêm một lần tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển, đảo; đặc biệt hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam. Cuộc thi cũng là “bức tranh sinh động” ngợi ca những cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm thầm lặng hi sinh tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ “những cột mốc chủ quyền” mang tên Trường Sa, DK1 phía ngàn khơi của Tổ quốc.

Quang cảnh lễ trao giải “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” trực tuyến, ảnh Tác giả chụp màn hình

Những tác phẩm độc đáo

Trong 191 tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã chọn 44 tác phẩm vào vòng sơ tuyển, và 20 tác phẩm được vào vòng chung khảo. Đó là những tác phẩm có chất lượng nội dung khá tốt, có sự lan tỏa, “độ rung” cao; đề xuất nhiều ý tưởng hay, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; hiến kế, đưa ra những mô hình, cách làm mới về tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên, trí thức trẻ, ngư dân... Đặc biệt, một số tác phẩm có sự đầu tư công phu về tư liệu lịch sử, cung cấp kiến thức chuyên sâu về lãnh thổ, quyền thụ đắc lãnh thổ, chủ quyền, quyền tài phán... rất có giá trị cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Có tác phẩm xúc động làm lay động lòng người, khi người đọc rưng rưng nước mắt kể về sự hi sinh kiên cường anh dũng của cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 Phúc Tần 3- những người được coi là “cột mốc sống” ngoài Thềm lục địa như: “Phía sau những pháo đài thép” (tác giả Mai Thắng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân). Tác phẩm “Mộ nước” (tác giả Phương Dung) là một câu chuyện xúc động về ước nguyện của con gái liệt sĩ chỉ mong có một nhánh san hô, hoặc một chai nước biển đem về từ vùng biển cha hi sinh để coi đó là xương cốt của cha mà thờ cúng. Tác giả Phương Dung đã đem từ vùng biển DK1 chai nước biển và trao tận tay cho gia đình liệt sĩ Trần Văn Là ở miền Trung đúng dịp nhà giàn DK1 kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Và nó càng có ý nghĩa hơn tròn sau 30 năm, chi chị Trần Thị Duyên, con gái của liệt sĩ Trần  Văn Là nhận được “xương cốt” cha mình bằng những giọt nước mặn mòi đem về từ biển khơi. Chai nước biển ấy là hiện hữu “xương cốt” của chồng, của cha để họ vơi đi nỗi nhớ thương mất mát sau 30 năm…

Thành công của Cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” không dừng lại ở sự khắc hoạ của những tác phẩm báo chí đặc sắc về lối viết chân thực, giản dị, xúc động lôi cuốn bạn đọc; mà còn truyền đi thông điệp sâu sắc: chủ quyền biển đảo luôn thiêng liêng ở mỗi quốc gia dân tộc trong bất kỳ thời đại nào.

Trung tá Mai Thắng- Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân- người đoạt giải trong cuộc thi dự Lễ trao giải, ảnh Châu Thư.

5 tác giả đoạt giải của cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” là 5  tác giả “chiến thắng” trong cuộc thi vượt qua 191 người tham gia. Nhưng điều quan trọng hơn là, họ đã đưa thông điệp “chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo” của Tổ quốc đến với mọi người giữa thời bình lặng im tiếng súng.

 Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác giả Phương Dung ( Phóng viên Phát thanh Truyền hình Quân đội) với tác phẩm “Mộ Nước” với giải thưởng 50 triệu đồng. 4 tác giả khác cũng được Ban tổ chức trao giải nhì, ba, khuyến khích, với tổng giải thưởng 120 triệu đồng.

Tại Lễ trao giải “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” lần 1, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động đã phát động Cuộc thi viết lần thứ hai với chủ đề “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” và Cuộc thi ảnh “Thiêng liêng cờ Tổ quốc”.

Theo ông Tô Đình Tuân, cuộc thi lần thứ 2 này đề tài rộng hơn, sâu hơn có sức lan toả mạnh mẽ hơn, sẽ được kết thúc vào tháng 6-2022 đúng dịp tròn 3 năm Báo Người Lao Động thực hiện chương trình “một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”. Nó sẽ là sân chơi bổ ích không chỉ cho những cây bút, nhiếp ảnh chuyên, không chuyên, mà bất kỳ ai, người nào cũng có thể tham gia được. Cuộc thi lần thứ hai “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” và Cuộc thi ảnh “Thiêng liêng cờ Tổ quốc” không ngoài mục đích tuyên truyền sâu sắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam là bất khả xâm phạm, và truyền đi thông điệp “Tổ quốc Việt Nam là vĩnh cửu”, mãi mãi trong trái tim người Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo Người Lao Động trao giải Cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO