Bảo mẫu rung lắc trẻ 2 tháng tuổi: Cục Chăm sóc Bảo vệ trẻ em nói gì?

25/11/2017 00:00

(TN&MT) - Mới đây, vụ việc một người phụ nữ rung lắc cháu bé gần 2 tháng tuổi đã khiến cộng đồng mạng cũng như dư luận tỏ thái độ phận nộ.

(TN&MT) - Mới đây, vụ việc một người phụ nữ rung lắc cháu bé gần 2 tháng tuổi đã khiến cộng đồng mạng cũng như dư luận tỏ thái độ phận nộ.
 
Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB và XH cho biết, hành động người giúp việc rung lắc, tung hứng trẻ chắc chắn sẽ gây nguy hiểm đến trẻ mặc dù bé còn quá nhỏ, chưa xác định được mức độ tổn thương hiện tại nhưng có thể để lại di chứng tổn thương não, tổn thương tâm lý sau này.
 
Tuy nhiên, điều sâu xa hơn cần được đặt ra qua sự việc này là chính là sự thiếu kiểm soát chất lượng người giúp việc, không có bất kỳ quy chuẩn nào về người giúp việc.
 
Chuyên gia bảo vệ trẻ em lo ngại, những gia đình không có ông bà trông trẻ thì buộc phải thuê người giúp việc. Tuy nhiên, nếu không có quy định, quy chuẩn về người giúp việc thì nguy cơ tương tự như vụ việc nêu trên đối với trẻ nhỏ chắc chắn sẽ tái diễn.
 
Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB và XH cho hay,  hai yếu tố rất đơn giản nhưng quan trọng và cần thiết trong quy định về người giúp việc mà ở nước ngoài họ đã áp dụng đó là tiêu chí về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần (động kinh, trầm cảm…) và kỹ năng chăm sóc. Trong khi những điều này, ở nước ngoài họ giám định rất kỹ thì ở nước ta lại không có. 
 
Do thiếu quy chuẩn nên người giúp việc có biểu hiện bệnh trầm cảm, tâm thần, nếu bệnh nhẹ thì hễ nhìn thấy chó, mèo là đánh, còn nặng thì nhìn thấy trẻ con khóc là đánh, thậm chí giết con chủ nhà khi bộc phát bệnh. Có trường hợp giúp việc vì quá căm ghét đứa bé hoặc căm ghét bà mẹ vì trả tiền ít hay mắng quát thì cũng thể có hành động đánh trẻ để “trả thù”….
 
Cháu bé đang bị người phụ nữ đánh (Ảnh cắt từ clip)
Cháu bé đang bị người phụ nữ đánh (Ảnh cắt từ clip)
Một chuyên gia y tế cho biết, nhiều người không kìm nén được cơn tức giận khi trẻ khóc hay quấy, mất tự chủ hoặc có thói quen sốc trẻ lên cao hoặc lắc dữ dội để thoả cơn giận sẽ khiến trẻ bị tổn thương não vĩnh viễn.
 
Tại Việt Nam, rất nhiều người chủ quan, hoặc chỉ vì vô tình rung lắc trẻ trong khi chăm sóc và chơi đùa để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo Bệnh viện Bạch Mai, trẻ mới sinh, cơ và dây chằng vùng cổ yếu, chưa phát triển nên chưa thể chịu đựng được sức nặng của đầu. Trong đầu lại có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục phát triển. Não của trẻ lại mềm, màng não mỏng. Vì thế, nếu bị rung lắc mạnh, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não. Khi não không có sự di chuyển đồng bộ sẽ gây ra sự đập trở lại xương sọ làm giập não, phù, chảy máu trong não. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng có thể dẫn đến tử vong.
 
Vì vậy, người trông trẻ tuyệt đối không được đung đưa mạnh, rung lắc đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 0-6 tháng. Các ông bố bà mẹ không nên có những động tác làm thay đổi từ thế trẻ nhanh đột ngột như: Trẻ đang năm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống. Đặc biệt, khi trẻ quấy khóc hoặc làm một việc gì đó không vừa lòng, người lớn không nên tát, đánh vào đầu trẻ. Khi trẻ khóc kéo dài không dỗ được cần phải kiểm tra kỹ nguyên nhân.
 
Thái Bảo - Ngọc Vân
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo mẫu rung lắc trẻ 2 tháng tuổi: Cục Chăm sóc Bảo vệ trẻ em nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO