Lực lượng cứu hộ giúp người dân sơ tán gần Bệnh viện Tim mạch Trung ương Fuwai ở huyện Zhongmu của Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc vào ngày 22/7/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Bão In-fa đổ bộ vùng ven biển gần Bình Hồ, một thành phố cấp quận thuộc quản lý của thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc vào khoảng 9h50 ngày 26/7, với sức gió mạnh lên đến 28mét/giây (100km/h) ở tâm bão.
Chen Zefeng, chủ một khu nông nghiệp ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang chia sẻ: "Tôi đã từng trải qua nhiều cơn bão, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một cơn bão mang theo lượng mưa lớn như vậy. Con sông phía sau tôi chỉ là một con lạch, nơi du khách thường đến để giải trí và câu cá, nhưng hiện nay, ngay cả chòi gỗ của tôi cũng sắp bị ngập”.
Tất cả các chuyến tàu cao tốc đi qua các thành phố Thượng Hải, Hàng Châu và Ninh Ba đã tạm dừng hoạt động. Tính đến 9h30 ngày 26/7, mực nước tại 9 trạm quan trắc lũ lớn ở Gia Hưng đã vượt mức cảnh báo, trong đó 8 trạm vượt quá mực nước an toàn.
Khoảng 10h sáng ngày 26/7, các con đường gần nhà thi đấu ở thành phố Bình Hồ đã bị ngập úng, với mực nước cao đến 10cm. Tính đến 11h sáng cùng ngày, không có sự cố lớn nào liên quan đến thiên tai đã được báo cáo ở Gia Hưng.
Tuy nhiên, bão In-fa gây ảnh hưởng đến hơn 114.000 người ở Gia Hưng, thiệt hại hơn 267ha cây trồng và 1,33ha nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 4,67 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 721.000 USD). Hơn 155.000 người đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm ứng phó khẩn cấp khu vực cảng Gia Hưng, Wang Ping, Trung tâm này đã chuẩn bị khoảng 170.000m3 đất để chống bão. Khoảng 50% trong số 44 doanh nghiệp hóa chất tại khu vực cảng phải tạm dừng sản xuất, số còn lại giảm năng lực sản xuất.
Bão In-fa gây mất điện trên khắp Chiết Giang, ảnh hưởng đến 2,68 triệu hộ gia đình. Tuy vậy, nhờ nỗ lực của hơn 22.000 công nhân sửa chữa, 95% nguồn điện đã được khôi phục.
Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Khẩn cấp của Gia Hưng, ông Qian Yeqiu nhận định, rất hiếm khi có bão đổ bộ vào Gia Hưng, vì thế cơn bão lần này là một thách thức lớn đối với công tác kiểm soát lũ lụt của thành phố. Theo ông, các tường chắn sóng cũ dọc theo Vịnh Hàng Châu và các kè đất ở các vùng nông thôn là vấn đề cần quan tâm nhất trong công tác kiểm soát lũ lụt vì chúng có thể không chịu được tình trạng ngâm nước kéo dài.
Ngoài ra, ông Qian cho rằng, thời điểm này, Gia Hưng đang vào mùa thu hoạch trái cây như đào và nho nên bão In-fa gây mưa lớn chắc chắn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân.
Tại siêu đô thị lân cận Thượng Hải của Trung Quốc, bão In-fa đã làm bật gốc hơn 19.560 cây và ngập một diện tích lớn đất trồng trọt trong hai ngày qua ở quận Kim Sơn, nơi gần điểm đổ bộ thứ 2 của bão In-Fa. Ngày 26/7, quận này đã ban bố tình trạng ứng phó lũ lụt khẩn cấp ở cấp độ cao nhất và yêu cầu đóng cửa các siêu thị lớn, trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học, bảo tàng, danh lam thắng cảnh và thư viện. Đồng thời, dịch vụ đường sắt ở Kim Sơn cũng tạm dừng hoạt động vào ngày 25-26/7.