Cộng đồng chưa được hưởng lợi
Hiện nay, hoạt động khai khoáng trên cả nước chiếm dụng tới 41.000 ha đất tự nhiên. Một số địa phương, như Thái Nguyên, diện tích đất khai khoáng là 3.191, chiếm 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; ở Quảng Ninh, chỉ tính riêng các mỏ than lộ thiên đang hoạt động đã chiếm dụng tới 5.700 ha đất.
Bà Trần Thanh Thủy, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, chiếm dụng diện tích lớn đất tự nhiên, hoạt động khai khoáng đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sinh kế cộng đồng. Thống kê cho thấy mỗi năm, khai thác than ở Quảng Ninh làm phát sinh 4,6 tỷ m3 đất đá thải, khai thác Apatit tại Lào Cai phát sinh 3 triệu m3. Trong khi đó, cơ hội việc làm tạo ra cho người lao động thì không nhiều như kỳ vọng. Theo thống kê năm 2014, số lao động ngành mỏ chỉ chiếm 0,48% tổng số lao động của cả nước.
Mặc dù, Điều 5 Nghị định 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản quy định rõ, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật BVMT và Luật Ngân sách nhà nước.
Ảnh Internet |
Nhưng thực tế, kết quả phỏng vấn của Oxfam tại 30 xã (trong giai đoạn từ năm 2009 - 2012) có hoạt động khai thác mỏ cho thấy, có 6 xã hàng năm có nhận được khoản thu từ khai thác khoáng sản nhưng không rõ đó có phải phí BVMT hay không; 12 xã không nhận được phân bổ nguồn thu từ khai thác khoáng sản; 12 xã khác thì không biết có được phân bổ ngân sách cho công tác BVMT hay không? Đặc biệt, trong 30 xã được khảo sát thì có tới 21 xã chưa từng được đầu tư các công trình hay dự án cải tạo môi trường.
Thậm chí, việc thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của người dân địa phương chủ yếu ở mức độ “tự nguyện” nộp một khoản phí hàng năm của doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các quỹ phúc lợi của địa phương; sử dụng lao động địa phương… mà chưa thông qua “Phương án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác” cũng như “Phương án bảo hộ ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác” do chính UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt.
Mặt khác, tuy được đề cập trong nhiều văn bản chính sách nhưng vấn đề bảo hộ quyền lợi của người dân và khắc phục hậu quả môi trường chưa được chính quyền cấp địa phương thực sự quan tâm; thiếu vắng các cơ chế cho sự tham gia của cộng đồng và chính quyền cấp xã trong giám sát hoạt động khoáng sản nói chung và đầu tư cho địa phương nói riêng; vai trò và trách nhiệm vùa chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện, xã chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.
Đồng bộ hóa chính sách bảo hộ quyền lợi cộng đồng
Theo bà Trần Thanh Thủy, để tăng cường bảo hộ quyền lợi của người dân và khắc phục hậu quả môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, cần đồng bộ hóa chính sách; trong đó các quy định về bảo hộ quyền lợi cộng đồng và khắc phục hậu quả môi trường cần được đưa vào chính sách pháp luật quản lý và sử dụng ngân sách.
Đồng thời, cần quy định rõ hơn vai trò của chính quyền các cấp trong bố trí và sử dụng ngân sách phục vụ đầu tư phát triển xã hội và khắc phục hậu quả môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; xây dựng những cơ chế cụ thể hơn cho sự tham gia của cộng đồng và chính quyền cấp xã, huyện trong giám sát hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và đầu tư cho địa phương nói riêng.
Ngoài ra, phải quy định rõ địa giới hành chính nơi có hoạt động khai thác; công khai các thông tin về hân bổ ngân sách và đầu tư phát triển kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả môi trường.
Tuyết Chinh