Bảo hiểm Corona Shield có qua mặt Bộ Tài chính?

Doãn Xuân - Quán Dũng| 15/05/2020 12:25

(TN&MT) - Đây là gói bảo hiểm của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Bảo hiểm Ngân hàng Vietinbank - VBI) được giới thiệu và bán cho người dân khi chưa được Bộ Tài chính phê chuẩn. Vậy sau khi Thủ tướng yêu cầu phải dừng kinh doanh bảo hiểm liên quan tới Covid – 19 thì quyền lợi của khách hàng có được đảm bảo?

Báo Tài nguyên và Môi trường đã tìm tới trụ sở của Bảo hiểm Ngân hàng Vietinbank để đặt lịch làm việc, tài đây một người tên Phương đã tiếp và cho biết lãnh đạo phụ trách truyền thông đang bận họp.

Bà Phương cho biết thêm, gói sản phẩm bảo hiểm covid - 19 triển khai ngắn, số lượng khách hàng ít, khi Thủ tướng yêu cầu ngừng phát hành thì phía Bảo hiểm Ngân hàng Vietinbank chỉ wedding  –  truyền thông, các nhà bảo hiểm khác đều có, đó chỉ là quyền lợi của khách hàng và phía Bảo hiểm Ngân hàng Vietinbank  đã đổi tên gói sản phẩm (Bảo hiểm Corona Shield - PV).

Bảo hiểm Corona Shield của Bảo hiểm Ngân hàng Vietinbank

Thời gian triển khai ngắn mà bà Phương nhắc tới ở đầy là Bảo hiểm Corona Shield được Bảo hiểm Ngân hàng Vietinbank bán từ cuối tháng 2/2020 đến 31/3/2020 thì dừng lại khi có chỉ đạo của Thủ tướng.

Được biết, Bảo hiểm Corona Shield có 3 gói, mức phí lần lượt 33.000đ, 66.000đ và 99.000đ. Quyền lợi được hưởng tương ứng với từng gói như sau: Đối với tử vong do nhiễm nCoV là 50.000.000đ, 100.000.000đ và 150.000.000đ; trợ cấp nằm viện: 1.000.000đ, 2.000.000đ  và 3.000.000đ và tử vong do tai nạn giao thông sẽ được hưởng: 5.000.000đ , 10.000.000đ và 15.000.000đ. Bà Phương cũng cho biết mặc dù dừng triển khai sản phẩm này nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã ký hợp đồng.

Khi phóng viên đề cập gói Bảo hiểm Corona Shield đã được Bộ Tài chính phê chuẩn chưa thì bà Phương không trả lời và đề nghị phóng viên đặt lịch làm việc và sẽ trao đổi sau. Phóng viên đã gửi nội dung làm việc qua email cá nhân của bà Phương theo yêu cầu, sau đó phóng viên điện thoại và nhắn tin để hỏi phía Bảo hiểm Ngân hàng Vietinbank sắp xếp lịch làm việc và trả lời nội dung theo yêu cầu nhưng bà Phương không phúc đáp. 

Theo Khoản 3, Điều 39 Nghị định 73/2016 NĐ-CP, sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai.

Trong khi đó, tại Khoản 5, Điều 6 Thông tư số 50/2017 TT-BTC quy định rõ: Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài không phải thực hiện phê chuẩn đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đã triển khai trước ngày 1/10/2012. Trường hợp thay đổi (sửa đổi, bổ sung) các sản phẩm bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP trước khi thực hiện.

Một trong 3 gói bảo hiểm Corona Shield của Bảo hiểm Ngân hàng Vietinbank

Được biết, ngày 24/3/2020, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính đã có Công văn số 128/QLBH-PNT gửi đến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về việc triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe. Công văn nêu rõ: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ chủ động rà soát, chấn chỉnh trong toàn hệ thống việc triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đảm bảo quy định pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không tuân thủ quy định pháp luật, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm sẽ xem xét, xử lý.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, Công ty Bảo hiểm Vietinbank, Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội, Bảo hiểm Bưu Điện đã lấy chữ Corona là tên thương mại của gói bảo hiểm dù sản phẩm không có điều khoản cụ thể về bảo hiểm cho dịch.

Cũng theo Khoản 8, Điều 1 Nghị định 48/NĐ-CP- 2018 có quy định xử phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: 

b) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài Chính phê Chuẩn; 

c) Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã đăng ký với Bộ Tài chính;

d) Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn;

đ) Sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính;

Ngoài ra có thể còn chịu hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 2 tháng đến 3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm Corona Shield có qua mặt Bộ Tài chính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO