Ngày 27/12/1962, Phủ Thủ tướng đã cấp giấy phép xuất bản Báo Giao thông vận tải số 3461, trên cơ sở hợp nhất một số tờ báo trong ngành như Báo Hỏa xa thuộc Tổng cục Đường sắt, báo Xe hơi thuộc quốc doanh vận tải Trung ương, bản tin bưu điện thuộc ngành Bưu điện. Tuần Báo Giao thông vận tải ra số đầu tiên ngày 31/1/1963, với 8 trang. Từ đây đánh dấu mốc lịch sử ra đời, xuyên suốt cho đến ngày nay, trở thành tờ báo ngành có tuổi đời thuộc diện lớn nhất ở Việt Nam.
Tháng 3/2012, Báo Bạn đường (trực thuộc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia) được chuyển nguyên trạng vào Báo Giao thông vận tải với mục tiêu nâng sức mạnh toàn diện cho Báo. Từ tháng 6/2013, Báo đã đổi tên thành Báo Giao thông, xuất bản bộ mới, tăng từ 12 lên 16 trang. Với phương châm truyền thông Tin cậy- Nhanh nhạy-Sắc bén-Thân thiện và Nhân văn, bộ mới được trình bày theo phong cách báo chí hiện đại. Cùng với đó, nội dung cũng có nhiều chuyên mục mới, tiếp cận trực diện những vấn đề của đời sống dân sinh liên quan đến lĩnh vực giao thông và những vấn đề đời sống xã hội khác, như: Bạn hỏi- Giao thông trả lời, kể chuyện cảnh sát giao thông, nhật ký hàng không, giao thông- phát triển; thể thao, giải trí.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đặt 3 nhiệm vụ trọng tâm cho Báo Giao thông trong thời gian tới. Trước hết, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, có khả năng định hướng và đánh giá thông tin đúng đối với các vấn đề lớn, mới, phức tạp, nhạy cảm; vừa giữ vững được tôn chỉ mục đích, bảo đảm tính chính trị vừa có đặc trưng nghiệp vụ tuyên truyền báo chí. Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp, củng cố tổ chức, bổ sung phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên để tạo nên đội ngũ những người làm báo Giao thông có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, có kiến thức thực tế về ngành Giao thông vận tải. Từ đó phát hiện đúng đề tài, tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm và hợp tác chặt chẽ giữa các khâu xuất bản để tạo ra sản phẩm báo chí cuối cùng là những tin, bài, ảnh tốt, những trang báo được trình bày đẹp, hiện đại, nội dung phong phú, chính xác, nhanh nhạy, kịp thời và hấp dẫn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu, trên cơ sở đổi mới nội dung, hình thức tờ Báo cần thêm số lượng phát hành sâu rộng trong toàn ngành cũng như từng bước ra xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế của Báo theo đúng quy định của pháp luật nhằm tăng nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện làm việc, phương tiện tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên và cải thiện, nâng cao đời sống của người lao động.