Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử có mặt tại thượng nguồn sông Mã đoạn từ xã Quý Lộc xuôi dòng xuống chân cầu Kiểu, chúng tôi chứng kiến cảnh sạt lở 2 bờ sông Mã xảy ra nghiêm trọng, nhiều đoạn vết nứt sạt lở chạy dài và đang có nguy cơ sập đổ bất cứ khi nào.
Điểm sạt lở tãi bãi Bồng, thôn 4 xã Quý Lộc |
Tại bãi Đồng Bãi xã Quý Lộc, đoạn sạt lở kéo dài dọc theo bờ sông Mã khoảng hơn 100 mét, cao khoảng 4-5 mét. Bà Trịnh Thị Lan, chỉ tay về phía bãi bồi cho biết: cả bãi bồi này rộng hàng trăm héc-ta, trước kia đây là khu đất rộng mênh mông chạy dài, nhưng mấy năm nay cứ mỗi năm lại sạt lở một ít, đến nay tôi ước tính sạt lở sâu vào đồng ruộng hàng chục mét. Cứ đà này không chừng mấy năm nữa sụt lún sẽ ăn sâu vào trong cả khu của nhà dân.
Hay tại khu Bãi Bồng có diện tích khoảng 50 ha, nhưng vết sạt lở kéo dài khoảng 70 mét, chiều cao có chỗ 6 mét đang đe dọa đến nhiều diện tích trồng mía của người dân. Đoạn ngay đền Đồng Cổ, làng Đa Lê xã Yên Thọ thời gian vừa qua cũng vì “cát tặc” thường xuyên bơm hút cát trái phép đã gây lên tình trạng sạt lở bờ đê. Nay người dân cũng đang hoang mang việc cấp phép mỏ cát số 26 cho HTX Thành Công sẽ dẫn đến việc thay đổi dòng chảy thì cả làng Đa Lê và di tích lịch sử quốc gia đền Đồng Cổ sẽ bị dòng nước cuốn trôi là điều không tránh khỏi?
Điểm sạt lở tại Đồng Bãi xã Quý Lộc, hàng trăm héc-ta có nguy cơ bị nước cuốn trôi |
Đặc biệt, tại đoạn qua thôn Thọ Vực xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc chiều dài cung sạt lở khoảng 155 m, vết sạt lở có chiều dựng đứng với chiều cao khoảng 7 m. Các điểm sạt lở này bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 2 và đến nay vẫn tiếp tục sạt lở thêm. Điều đáng nói là khoảng cách từ điểm sạt lở đến khu vực dân cư ngày càng được thu hẹp, hiện tại khoảng cách hơn 30m. Tình trạng sạt lở khiến nhiều hộ dân sống gần khu vực hiện trường đang bị đe dọa nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cao nếu tình trạng sạt lở không được xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Trọng Hai, người dân thôn Thọ Vực bồi hồi nhớ lại: Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi đầu, nhưng lần sạt lở này tôi thấy rất nhanh, mới đầu chỉ là những vết nứt nhỏ, vài ngày sau thấy đất lở nhanh, đổ ập xuống sông và bị nước cuốn trôi, nhà tôi ở cạnh đây thấy lo lắng quá. Cũng may ở khu vực này có mỏm núi nhô ra nên cản trở được dòng chảy, còn nếu không cả làng này đi rồi!?. Khi được hỏi nguyên nhân xảy ra tình trạng sạt lở này?. Ông Hai chỉ tay ngay về phía mấy tàu hút cát đang đậu ven sông nói: Đó là nguyên nhân đấy Nhà báo ạ, có những ngày họ hút cả ngày lẫn đêm, bất kể trời mưa, nắng, gió rét. Nhiều hôm bọn tôi xua chỗ này thì họ chạy chỗ khác.
Điểm sạt lở thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc đang được khắc phục |
Trước thực trạng trên, ngày 24/2/2017, UBND huyện Vĩnh Lộc đã có Tờ trình số 17/TTr-UBND về việc bố trí kinh phí khắc phục sự cố sạt lở bãi sông đoạn K8+950, K9+100 đê tả sông Mã đoạn qua xã Vĩnh Ninh. Ngày 9/3/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 2385/UBND-THKH giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư, Sở NN&PTNT nghiên cứu đề nghị của UBND huyện Vĩnh Lộc xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trên
Hiện tại điểm sạt lở tại thôn Thọ Vực đang được các cơ quan chức năng bạt mái ta-luy để tiến hành kè mái, chống sạt lở. Tuy nhiên, theo nhiều người dân sinh sống 2 bên bờ sông Mã thì việc sạt lở và sụt lún hai bờ sông là do việc khai thác cát trái phép trong thời gian vừa qua gây ra?
Bài & ảnh: Tuyết Trang