Chính phủ Brazil ngày 30/5 đã lên tiếng cảnh báo diện tích rừng nhiệt đới Đại Tây Dương, phía Đông Bắc nước này bị tàn phá ở mức báo động 290km2 trong giai đoạn 2015-2016, tăng gần 60% so với năm trước.
Khu rừng này là một trong những cánh rừng nhiệt đới có độ đa dạng sinh học bậc nhất thế giới, nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Diện tích rừng bị mất tại khu vực bờ biển Đại Tây Dương Brazil trong năm 2016 không chỉ tăng hơn gấp đôi so với năm trước, mà còn là mức lớn nhất trong suốt một thập kỷ qua.
Theo ước tính về nạn phá rừng do Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) và Tổ chức phi chính phủ SOS Mata Atlántica thực hiện hàng năm thông qua hình ảnh chụp từ vệ tinh, gần 43% diện tích rừng nhiệt đới Đại Tây Dương bị tàn phá trong năm qua xảy ra tại bang Bahia, miền Đông Bắc Brazil.
Tình trạng khai thác gỗ, cháy rừng đã phá hủy gần 123km2 rừng tại bang này, tăng 207% so với giai đoạn 2014-2015. Thành phố Belmonte và Santa Cruz de Cabralia là hai địa phương của bang báo động về vấn nạn này.
Thông cáo của INPE cho biết các chuyên gia thuộc SOS Mata Atlantica vừa thực hiện các chuyến bay thị sát tại hai thành phố kể trên hồi trung tuần tháng Năm vừa qua, đã phát hiện nhiều cánh rừng bị đốt để chuyển đổi thành đồng cỏ chăn nuôi và khu vực mới phục vụ sản xuất lâm nghiệp.
Bên cạnh Bahia, nạn phá rừng tại bang Minas Gerais, miền Đông Nam Brazil, cũng tăng mạnh trong năm 2016. Người dân địa phương đã tăng cường đốt gỗ rừng lấy than, cũng như trồng thay thế cây rừng bằng cây bạch đàn phục vụ sản xuất giấy trong những năm qua.
Rừng nhiệt đới Đại Tây Dương có diện tích 1,3 triệu km2 nằm trên lãnh thổ Brazil, bao phủ 17 trong tổng số 27 bang nước này và một phần khu vực duyên hải của Argentina và Paraguay. Do vị trí nằm tại khu vực đô thị hóa nhất của nước Nam Mỹ nên độ che phủ của rừng nhiệt đới Đại Tây Dương đã mất gần 88% thảm thực vật. Tổ chức SOS Mata Atlantica cho biết 30% lượng các con sông chảy qua các cánh rừng này đã bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng và ô nhiễm./.
Theo TTXVN