Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở phường Quảng Thắng đi vào hoạt động từ năm 2010. không chỉ Quảng Thắng mà người dân xã Đông Hưng (TP Thanh Hóa) cũng cùng chung số phận. Máy cưa, máy xẻ chậy ầm ầm bất kể ngày đêm khiến nhà cửa của nhiều hộ bị rạn nứt. Nước bột đá chảy tràn lan vào 24 hộ dân ở thôn Nam Hưng, xã Đông Hưng khiến vườn, ao biến thành bãi thải. Có những hôm trời mưa to nước bột đá còn tràn vào tận sân. Bức xúc trước thực trạng ấy, người dân đã nhiều lần “cầu cứu” các ngành chức năng nhưng rồi họ vẫn phải điêu đứng vì tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề.
Nước bột đá chưa qua lắng lọc đang thải trực tiếp ra môi trường. |
Qua quan sát nhiều công ty, doanh nghiệp khai thác và chế biến đá trong khu vực làng nghề đá Quảng Thắng, chưa có bể lắng đọng theo đúng quy chuẩn. Nước bột đá chảy ra phía sau kênh của làng nghề trong tình trạng quá tải lại tràn lênh láng ra ruộng vườn của người dân. Vấn đề thu gom và phân loại xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, chủ yếu mang hình thức đối phó. Một số doanh nghiệp không lập báo cáo tác động và cam kết bảo vệ môi trường, không nộp phí bảo vệ môi trường; đổ lấp chất thải rắn không đúng qui định. Công nhân không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động, họ đang trực tiếp hít bụi tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe.
Ông Đoàn Văn Đặng, thôn Nam Hưng, xã Đông Hưng bức xúc nói: "Từ khi các xưởng chế biến đá về đây cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Máy cưa, máy xẻ gầm rú chạy cả ngày lẫn đêm khiến người già thì mất ngủ, trẻ em không thể học bài. Cái ao trước nhà trước đây thả cá và trồng rau muống, nhưng giờ bột đá phủ kín không thể cải tạo nổi. Gia đình đã phải bỏ tiền bỏ sức đào mương nước thoát ra sông nhà Lê nếu không vào mùa mưa sẽ ngập lên tận nhà. Những hôm trời mưa to nước mưa kèm với bột đá ngập vào tận sân. Nhất là mỗi khi xe đổ đá là như động đất, nhà cửa rung bần bật. Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên xã, nhưng thực trạng ô nhiễm vẫn không được giải quyết. Tôi vừa phải đi điều trị dài ngày ở viện về vì bệnh ho. Nếu các doanh nghiệp không có biện pháp xử lý môi trường thì người dân chúng tôi cũng sẽ chết vì ô nhiễm".
Bà Nguyễn Thị Thăng, phố 7 (phường Quảng Thắng) cho biết: "Tôi có mấy gian nhà đã nứt toác vì xe đổ đá, mỗi lần đổ đá là tôi phải chạy ra ngoài vì sợ nhà sập. Ruộng vườn giờ không thể canh tác nữa vì bột đá phủ kín. Chưa kể là ô tô vận tải cỡ lớn ngày đêm chở đá trắng vừa phá đường, vừa gây bụi mịt mù. Không hiểu vì sao tỉnh lại quy hoạch làng nghề nằm ngay giữa khu dân cư, những người dân đen như chúng tôi khốn khổ trăm đường".
Ao của hộ gia đình ông Đoàn Văn Đặng bị bột đá lấp đầy, không thể cải tạo được |
Ông Đỗ Anh Bắc - Phó chủ tịch phường Quảng Thắng cho biết: “Đúng là rất bất cập nhưng không thể nói vì làng nghề nằm trong quy hoạch của tỉnh. Trước mắt, thì sẽ hạn chế làm giờ cao điểm nhưng hạn chế làm đêm sẽ là khó vì điện đêm giá rẻ. Về lâu dài, chính quyền sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền để di chuyển. Đồng thời yêu cầu các cơ sở đảm bảo các tiêu chí môi trường”.
Thanh Tâm