Thế giới

Báo động đỏ về khí hậu toàn cầu: Còn tia hy vọng để lạc quan?

Mai Đan 20/03/2024 - 17:42

(TN&MT) - Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố báo cáo cho thấy, các kỷ lục một lần nữa bị phá vỡ về mức độ khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng và axit hóa đại dương, mực nước biển dâng, lớp băng bao phủ và sự tan chảy của sông băng. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về trình trạng khí hậu toàn cầu.

Theo báo cáo Khí hậu toàn cầu năm 2023 của WMO, các đợt nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và các cơn bão gia tăng nhanh chóng đã làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người và gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo: “Còi báo động về tất cả các chỉ số chính đang đồng loạt vang lên… Một số kỷ lục không chỉ đứng đầu bảng xếp hạng mà còn phá vỡ bảng xếp hạng và những thay đổi đang diễn ra nhanh”.

Báo động đỏ

Dựa trên dữ liệu từ nhiều cơ quan, các nhà nghiên cứu xác nhận, năm 2023 là năm nóng kỷ lục và giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2023 là khoảng thời gian 10 năm nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 ở mức 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chỉ thấp hơn một chút so với ngưỡng nóng lên chính là 1,5 độ C.

Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết: “Kiến thức khoa học về biến đổi khí hậu đã tồn tại hơn 5 thập kỷ nhưng chúng ta đã bỏ lỡ cả một thế hệ cơ hội”. Bà kêu gọi phải quản lý việc ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú ý đến phúc lợi của các thế hệ tương lai chứ không phải vì lợi ích kinh tế ngắn hạn.

image1170x530cropped-14-.jpg
Mực nước biển dâng cao làm tăng nguy cơ lũ lụt thường xuyên tại Bangladesh. Ảnh: WFP

Với tư cách là Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới, bà Celeste Saulo đưa ra cảnh báo đỏ về tình trạng khí hậu toàn cầu.

Đáng chú ý, các chuyên gia WMO giải thích, biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở nhiệt độ. Những gì chúng ta chứng kiến vào năm 2023, đặc biệt là với sự ấm lên chưa từng có của đại dương, sự rút lui của sông băng và sự tan băng ở biển Nam Cực, là nguyên nhân gây ra mối lo ngại đặc biệt.

Báo cáo cho thấy, vào một ngày trung bình trong năm 2023, gần 1/3 bề mặt đại dương bị sóng nhiệt biển bao trùm, gây tổn hại cho các hệ sinh thái quan trọng và hệ thống thực phẩm.

Theo dữ liệu sơ bộ, các sông băng được quan sát đã chứng kiến lượng băng bị mất đi lớn nhất trong lịch sử - kể từ năm 1950 - với tình trạng băng tan cực độ ở cả phía Tây Bắc Mỹ và Châu Âu. Trong đó, các chỏm băng ở dãy An-pơ đã trải qua một mùa băng tan cực độ, chẳng hạn, băng ở Thụy Sĩ đã mất khoảng 10% khối lượng còn lại trong 2 năm qua.

Lượng băng bị mất ở biển Nam Cực cho đến nay là thấp kỷ lục - thấp hơn 1 triệu km2 so với kỷ lục trước đó - tương đương với diện tích của Pháp và Đức cộng lại.

Dữ liệu sơ bộ cũng cho thấy nồng độ quan sát được của ba loại khí nhà kính chính - carbon dioxide, metan và oxit nitơ - đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 và tiếp tục tăng vào năm 2023.

Theo WMO, thời tiết và khí hậu cực đoan là nguyên nhân sâu xa hoặc là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng di dời, mất an ninh lương thực, mất đa dạng sinh học, các vấn đề sức khỏe,… trong năm 2023. Báo cáo trích dẫn số liệu cho thấy số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi, từ 149 triệu trước đại dịch COVID-19 lên 333 triệu vào năm 2023 tại 78 quốc gia được Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) giám sát.

“Cuộc khủng hoảng khí hậu là thách thức rõ ràng mà nhân loại phải đối mặt. Nó có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng bất bình đẳng - thể hiện qua tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng tăng và sự di dời dân cư cũng như mất đa dạng sinh học”, bà Saulo cho biết.

Tia hy vọng

Mặc dù báo cáo của WMO gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng khí hậu toàn cầu, nhưng cũng đưa ra những lý do để lạc quan, trong đó có sự gia tăng sản xuất năng lượng tái tạo. Các nhà nghiên cứu cho biết, năm 2023, công suất sản xuất năng lượng tái tạo - chủ yếu từ năng lượng mặt trời, gió và thủy điện - đã tăng gần 50% kể từ năm 2022, đạt tổng cộng 510 gigawatt (GW) - tỷ lệ cao nhất được ghi nhận trong hai thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa hiệu quả là rất quan trọng để giảm thiểu tác động của thiên tai. Sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người trên Trái đất đều được bảo vệ bởi các cảnh báo sớm vào năm 2027.

Hơn nữa, kể từ khi áp dụng Khung hành động Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, việc phát triển và thực hiện các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai ở địa phương đã gia tăng.

Từ năm 2021 - 2022, dòng tài chính liên quan đến khí hậu toàn cầu tăng gần gấp đôi so với mức của giai đoạn 2019 - 2020, đạt gần 1,3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu, điều đó cho thấy thiếu hụt tài chính đáng kể. Để đạt được các mục tiêu của lộ trình 1,5 độ C, các khoản đầu tư tài chính cho khí hậu hàng năm phải tăng hơn 6 lần, đạt gần 9 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và cần thêm 10 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Báo cáo cảnh báo rằng cái giá phải trả cho việc không hành động là rất lớn. Từ năm 2025 - 2100, con số này có thể lên tới 1,266 triệu tỷ USD, thể hiện sự khác biệt về tổn thất giữa kịch bản thông thường và kịch bản nhiệt độ Trái đất sẽ tăng 1,5 độ C trong thập kỷ này. Đánh giá con số này có thể còn thấp đáng kể so với thực tế, các chuyên gia thời tiết của Liên hợp quốc kêu gọi hành động ngay lập tức về khí hậu.

Báo cáo của WMO được công bố trước cuộc họp Bộ trưởng Khí hậu Copenhagen, nơi các nhà lãnh đạo và bộ trưởng khí hậu từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung lần đầu tiên kể từ COP28 ở Dubai để thúc đẩy hành động về khí hậu, bao gồm cả việc đưa ra một thỏa thuận đầy tham vọng về tài chính tại COP29 ở Baku Azerbaijan vào cuối năm nay nhằm biến các kế hoạch quốc gia thành hành động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động đỏ về khí hậu toàn cầu: Còn tia hy vọng để lạc quan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO