Bảo đảm tính hợp pháp cho gỗ rừng trồng: Bất cập từ…chính sách

23/03/2017 00:00

(TN&MT) - Khuyến khích người dân trồng rừng và giữ rừng là chủ trương được Việt Nam đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Nhiều Bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm theo dõi, giám sát trữ lượng khai thác gỗ rừng trồng nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho gỗ lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy để bảo đảm cho gỗ của người dân lưu thông một cách dễ dàng cần phải có biện pháp tháo gỡ, bất cập từ những chính sách hiện hành.

Người dân gặp khó vì nhiều quy định

Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững  cho thấy tại các tỉnh như Hòa Bình, Quảng Ninh, Kon Tum, Bình Định…cho thấy hầu hết các hộ dân không thực hiện các quy định. Một trong những thủ tục khiến người dân “khó” thực hiện đó là việc lập bảng dự kiến sản phẩm. Đây được coi là thủ tục hết sức quan trọng trong hồ sơ khai thác để được cấp có thẩm quyền phê duyệt khai thác và làm căn cứ cho việc theo dõi, giám sát, xác nhận nguồn gốc lâm sản khi lưu thông.

Điều này đã được quy định rõ trong Thông tư 21/2016/TT – BNNPTNT song kết quả khảo sát trên 365 hộ trồng rừng và khai thác gỗ tại 7 tỉnh cho thấy phần lớn nhóm hộ này không tuân thủ các quy định của pháp luật. Có tới hơn 56% số hộ không lập hồ sơ khai thác, trong đó lien quan đến thủ tục ngay từ ban đầu cho lập hồ sơ khai thác gỗ chỉ có 34,91% số hộ lập bản dự kiến sản phẩm khai thác, 56,18% số hộ không lập…Hiện tượng này phổ biến ở tất cả các địa bàn được nghiên cứu tuy nhiên mức độ tuân thủ có sự khác biệt ở một số địa phương. Cụ thể tại Hòa BÌnh tỷ lệ này thực hiện được 86% còn Bình Đinh lại chỉ có 27,50%.

Người dân huyện miền núi Sơn Hoà phấn khởi khai thác rừng trồng
Người dân huyện miền núi Sơn Hoà phấn khởi khai thác rừng trồng

Nguyên nhân của việc này do phần lớn các hộ gia đình tham gia trồng rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 54,58%) có trình độ học vấn thấp mới ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Chính vì vậy, họ không có đủ năng lực tự mình tìm hiểu và nắm rõ được đầy đủ các quy định, thủ tục trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, gỗ rừng trồng được các hộ  khai thác chủ yếu là gỗ nhỏ, mật độ trồng rừng cao (mật độ > 2000 cây/ha), địa hình rừng trồng thì chia cắt khiến việc xác định khối lượng khai thác là rất khó. Điều này đã khiến cho các hộ dân không tự thực hiện được việc đo đếm này và khi bắt buộc thực hiện thì họ chỉ có thể ước lượng một cách thiếu cơ sở tính toán cho trữ lượng mà phải kê khai vào bảng.

Ngoài ra, hiểu biết của các hộ đối với quy định của nhà nước về khai thác gỗ chưa tốt, có tới hơn 50% số hộ không biết hoặc không biết rõ đến hồ sơ khai thác phải thực hiện như thế nào. Công tác quản lý và truyền thông của các cơ quan nhà nước tại địa phương còn yếu. Chính những điều này là rào cản lớn để các hộ dân đáp ứng được quy định hiện nay của nhà nước.

Quy định mới vẫn… vướng

Năm 2011, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 35/2011/TT – BNNPTNT và năm 2012 lại tiếp tục ban hành Thông tư 01/2012/TT – BNNPTNT nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ, tạo thuận lợi khi lưu thông ra thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên khi áp dụng thực tế cho các hộ gia đình trồng và khai thác rừng đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, nổi cộm đó là việc lập bảng dự kiến sản phẩm phù hợp với năng lực thực hiện của hộ gia đình khiến người trồng rừng, khai thác gỗ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về xin phép và kê khai sản lượng khai thác.

Tháng 6/2012 Bộ NN&PTNT lại tiếp tục ban hành Thông tư 21/2016/TT – BNNPTNT thay thế Thông tư 35. Điểm mới của thông tư này đó là việc không yêu cầu lập bản dự kiến khai thác. Tuy nhiên tại khoản b, mục 1 Điều 6 của Thông tư 21 về khai thác chính, tận dụng, tận thun có quy định rừng trồng “trước khi khai tác…chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng gửi bảng kê lâm sản đến ủy ban nhân dân cấp xã”. Điều này được hiểu ngay cả khi không còn yêu cầu lập bản dự kiến khai thác, chủ rừng vẫn phải gửi bản kê lâm sản đến UBND xã trước khi khai thác. Vì vậy, vấn đề bảng kê vô hình chung vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Nhiều người dân Quảng Ngãi thay đổi cuộc sống nhờ trồng rừng.
Nhiều người dân Quảng Ngãi thay đổi cuộc sống nhờ trồng rừng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thế Cường, đại diện nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng tại khoản b, mục 1, Điều 6, Thông tư 21 tiếp tục căn cứ vào trữ lượng gỗ báo cáo trước khai thác để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát, xác nhận nguồn gốc lâm sản. Điều này là thiếu cơ sở bởi trữ lượng gỗ sau khai thác luôn có sự sai khác rất lớn so với con số dự kiến khai thác.

Việc không kê khai bảng dự kiến sản phẩm sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy mà ảnh hưởng lớn nhất đó là việc làm chậm tiến trình tham gia Hiệp định thương mại song phương ký giữa EU với quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, theo đó: Quốc gia đối tác cam kết chỉ xuất khẩu vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp…khi phải đáp ứng đầy đủ các quy định để xuất khẩu gỗ sang Châu Âu.

Để giải quyết bất cập này theo ông Nguyễn Quang Tân chuyên gia thuộc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững cần phải có điều chỉnh các quy định. Trong đó, phải loại bỏ bảng kê lâm sản khỏi yêu cầu báo cáo trước khai thác và đưa bảng kê lâm sản sau khai thác làm cơ sở để theo dõi, giám sát trữ lượng gỗ được khia thác và thu thuế sử dụng đất. Ngoài ra cần phải tăng cường hơn nữa năng lực và nhận thức cho người dân về các yêu cầu cần được thực hiện khi tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và người dân trong việc kiểm tra, giám sát giúp người dân thuận tiện trong việc thực thi các quy định của pháp luật.

Thái Bình

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tính hợp pháp cho gỗ rừng trồng: Bất cập từ…chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO