Theo các nhà khí tượng học và các chuyên gia về đất đai, từ bang Kansas đến Wisconsin (Mỹ), những cơn gió này có thể đạt đến vận tốc 169 km/h, thổi bay lớp đất mặt nông nghiệp và khiến cả vùng Trung Tây nước này chìm trong bão bụi.
Những người nông dân cho biết, bão bụi khiến họ nhớ tới Dust Bowl - sự kiện Cơn bão Đen - xảy ra vào những năm 1930, khi những đồng cỏ của khu vực Bắc Mỹ ngập trong những cơn bão bụi, lốc cuốn.
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, một người đã thiệt mạng do cây đổ ở Sioux Falls, Nam Dakota. Trong khi đó, gió mạnh cũng khiến một người thiệt mạng do một thùng ngũ cốc rơi xuống ô tô của nạn nhân.
Ông Todd Heitkamp, nhà khí tượng học tại Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ ở Sioux Falls, phía Nam bang Dakota nhận định: "Thiệt hại do bão bụi và gió mạnh rất lớn, nhưng đây chưa phải điểm kết thúc, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều. Thiệt hại nặng nề nhất được ghi nhận ở bang Nebraska, Nam Dakota, bang Iowa và Minnesota”.
Khi gió mạnh dừng, một lớp đất đen dày đặc bám đầy các cánh tuabin, làm tắc rãnh thoát nước. Ngoài ra, theo một số nông dân, lớp đất trên cùng - lớp đất đóng vai trò rất quan trọng trong việc trồng trọt – tại các cánh đồng, đã bị cuốn bay.
Bà Joanna Pope, nhân viên phụ trách công vụ bang Nebraska thuộc Cục Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, tình hình thời tiết khô hạn trên khắp Great Plains (Đại Bình nguyên) và vùng Trung Tây, kết hợp với các phương thức canh tác truyền thống như xới đất đã tạo tiền đề cho cơn bão bụi lớn hình thành.
Bà nói: "Cách phòng vệ tốt nhất là trồng cây che phủ và triển khai một số phương pháp tiết kiệm đất như không xới đất. Lớp đất xới lên bị khô rất nhanh và gió lớn sẽ thổi bay lớp đất”.
Cơn bão có thể gây ra nhiều khó khăn cho người nông dân khi họ phải đối mặt với việc trồng trọt bị trì hoãn, chi phí đầu vào tăng cao và áp lực tăng sản lượng trong bối cảnh giá lương thực tăng kỷ lục cũng như lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực.
Ở trung tâm bang Nebraska, các hệ thống tưới tiêu sử dụng cho các loại cây trồng trong thời kỳ khô hạn đã bị gió lớn phá hủy. Một nông dân tại khu vực này cho biết, có thể mất vài tuần để hoàn thiện việc sửa chữa các hệ thống này.