Ban Tuyên giáo Trung ương nêu 5 nội dung trọng tâm trong tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19

Ngọc Châu| 27/07/2021 09:33

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền đã phát huy tốt vai trò, thực sự là một binh chủng quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta... trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu đẩy mạnh thông tin tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19

Nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong việc thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch, Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 48-KH/BTGTW về công tác thông tin, tuyên truyền.

Nhà báo tác nghiệp trong khu phong tỏa và khu cách ly. Ảnh: Hoàng Quý

Quán triệt thực hiện 5 nội dung trọng tâm

Kế hoạch của Ban Tuyên giáo nêu rõ, các cơ quan báo chí cần quán triệt lực lượng phóng viên, biên tập viên, người làm báo phát huy vai trò, sứ mệnh của mình, tập trung tuyên truyền 5 nội dung trọng tâm, trọng điểm:

Thứ nhất, tuyên truyền việc thực hiện Công văn số 969/TTg-KGVX, ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, trong đó, nhấn mạnh công tác chủ động, sẵn sàng các điều kiện trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Thứ hai, phản ánh, phỏng vấn cán bộ, đảng viên, người dân, đại diện các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, chức sắc tôn giáo, người có uy tín... nhất trí, đồng lòng, ủng hộ, sẵn sàng vượt khó khăn, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; tạo khí thế quyết tâm, tinh thần lạc quan, tin tưởng trong Nhân dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tuyên truyền về các hoạt động nhân văn, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau lúc khó khăn

Thứ ba, tuyên truyền đậm nét những thông tin, số liệu tích cực, tươi sáng như số ca khỏi bệnh, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, gương người tốt, việc tốt, điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn...

Thứ tư, không đưa các phát ngôn, tin, bài giật tít gây hoang mang, lo lắng, hoảng sợ, phân tâm; nếu không thực sự cần thiết, hạn chế tối đa thông tin người chết, tai biến sau tiêm, những sơ xuất trong thời điểm dịch bệnh; cân bằng thông tin giữa chuyên môn chống dịch và bảo đảm đời sống, tâm lý của Nhân dân vùng có dịch;

Không so sánh chiến lược, phương pháp phòng, chống dịch giữa các nước gây những hoang mang, phân tâm về phòng, chống dịch; không tổ chức khảo sát, thăm dò, lấy ý kiến bạn đọc để bình luận, định hướng theo chủ ý của báo hoặc tạo ra những bình luận, nhận xét không có lợi cho công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; không thông tin, bình luận, phân tích về những vấn đề Chính phủ còn đang thảo luận, cho ý kiến (như chiến lược phòng, chống dịch, kế hoạch phong tỏa địa phương...).

Thứ năm, phản bác, lên án kịp thời các thông tin xuyên tạc, kích động, chống phá trên không gian mạng.

Chú trọng tuyên truyền các thông tin tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Đa dạng phương thức tuyên truyền

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng và số ca mắc tăng cao ở các địa phương. Đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện ở 62/63 tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền hình: Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Thanh niên, Lao động, Báo TN&MT… mở chuyên mục, chương trình, chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại trang nhất (báo in), trang chủ (báo điện tử) ở vị trí dễ nhận biết, bảo đảm thường xuyên, liên tục, chất lượng, tạo thông tin dẫn dắt, định hướng công chúng và dư luận xã hội.

Báo đảng bộ, đài phát thanh - truyền hình địa phương căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế, nhu cầu, đối tượng phục vụ, khả năng cụ thể..., có chuyên mục, chuyên trang, chương trình riêng và phát sóng định kỳ, tập trung thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa bàn.

Mặt khác, cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, linh hoạt, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; có nhóm phóng viên chuyên trách, am hiểu lĩnh vực y tế phụ trách về công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Nội dung, phương thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát huy ưu thế của nền tảng internet, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến, có sức lan tỏa, thuyết phục trong toàn xã hội.

Chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền cần có tính dự báo và kịp thời, cụ thể; phân công trách nhiệm công việc rõ ràng; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng để tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Tuyên giáo Trung ương nêu 5 nội dung trọng tâm trong tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO