Đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, phát triển đô thị về phía Bắc, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, cụ thể hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, định hướng đến 2045.
Hiện tại, việc kết nối giao thông trong thành phố Hải Phòng giữa hai bờ sông Cấm do 03 cây cầu: cầu Bính, cầu Kiền và cầu Hoàng Văn Thụ đảm nhiệm. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng nhanh, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa như hiện nay, dự kiến đến năm 2025 lưu lượng giao thông qua 3 cây cầu này sẽ vượt quá giới hạn cho phép do sự phát triển khu vực đô thị mới ở phía Bắc.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cầu Nguyễn Trãi đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực Trung tâm hành chính - chính trị cũ tại quận Hồng Bàng với Trung tâm hành chính - chính trị mới sẽ được xây dựng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm
Vị tri xây dựng cầu Nguyễn Trãi, kết nối trục đường Lê Hồng Phong, đường Nguyễn Trãi tại nút giao Ngã 5 sân bay Cát Bi với đường Lê Thánh Tông (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Tp Hải Phòng) với Khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm. |
Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi sẽ xây dựng trục kết nối Khu đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp chính trên địa bàn thành phố như: VSIP, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ… Dự án sẽ góp phần rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa đến/đi Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, liên kết Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với cực phát triển phía Bắc của thành phố tại khu vực Bắc Sông Cấm, thúc đẩy phát triển KTXH của khu vực huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng.
Trước đó, dự án này đã nhiều lần “trễ hẹn” trong sự mong mỏi của người dân Hải Phòng. Cơ quan tư vấn Nhật Bản đưa ra 3 phương án kiến trúc cho cầu Nguyễn Trãi: Phương án 1, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu dây văng; Phương án 2, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu vòm thép; Phương án 3, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu treo.
Theo phương án thiết kế được chọn thì cầu có nhịp chính sử dụng kết cấu vòm thép với cao độ trên 45m, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hải Phòng phối hợp với Bộ Quốc phòng để thống nhất về cao độ đỉnh vòm của cầu theo quy định tại Nghị định số 32/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ Quy định về quản lý cao độ chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.
Cầu Nguyễn Trãi có quy mô xây dựng với chiều dài cầu khoảng 1.451m, trong đó: cầu chính dự kiến kết cấu là dây văng kết hợp dây võng một mặt phẳng dây với chiều dài khoảng 500m, trụ tháp dạng kim cương, mặt cắt ngang cầu rộng 26,5m gồm 4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 nhánh cầu xuống đường Lê Thánh Tông, nhánh A dài 423m, nhánh B dài 799m. Vận tốc thiết kế cầu chính là 80km/h, Tải trọng thiết kế HL93, Tĩnh không thông thuyền BxH=105x25m.. Địa điểm thực hiện dự án: Huyện Thủy Nguyên và Quận Ngô Quyền. Tổng mức đầu tư dự án hơn 5.300 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2020 – 2024