Bàn tay xoa dịu đất lành

Việt Hải| 29/04/2022 18:52

(TN&MT) - Nếu xem việc ngưng tiếng súng và kết thúc giao tranh là khép lại một cuộc chiến tranh - điều đó quả không sai. Nhưng không đơn thuần như trò chơi súng đạn được điều khiển bằng những nút bấm trên bàn phím để game thủ chỉ cần bấm nút close, chiến tranh bằng súng đạn thật dẫu có khép lại nhưng hàng thế kỷ sau, bom, mìn, vật nổ, chất độc hóa học vẫn còn vùi sâu, ngấm vào từng mạch sông, thớ đất.

Thực hiện xâm lược Việt Nam ở vào thế kỷ ánh sáng văn minh và khoa học kỹ thuật của nhân loại đã ở mức hiện đại, đế quốc Mỹ với mưu đồ thôn tính thuộc địa để sử dụng vào mục đích kinh tế, quân sự đã biến quốc gia có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng là Việt Nam thành phòng thí nghiệm vũ khí trong cuộc chạy đua vũ trang. Vũ khí: đạn, bom, mìn, thuốc nổ, chất độc hóa học đã trút không thương tiếc xuống đất này.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam từng phải hứng chịu hơn 15 triệu tấn bom đạn, gấp vài lần tổng số bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là chưa kể tới hàng chục triệu lít hóa chất có chứa chất dioxin - một sát thủ thầm lặng ghê gớm đối với sức khỏe và nòi giống con người. Sau chiến tranh, có khoảng 800.000 tấn bom đạn còn sót lại. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 42.000 người chết, hơn 62.000 người bị thương, hơn 6.100.000ha diện tích đất bị ô nhiễm.

5.-thu-tuong-an-can-tham-hoi-dong-vien-mot-nu-can-bo-ra-pha-bom-min.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gặp gỡ các thành viên tham gia dự án rà phá bom mìn.

Trong một khảo sát của Liên minh các Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) - Nhóm Cố vấn Bom mìn (MAG) và Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam (PTVN) nhằm xác định ô nhiễm tại môi trường do vật liệu nổ thông qua phân tích đất tại Việt Nam cho biết, có mối liên hệ giữa vũ khí già hóa và ô nhiễm đất nông nghiệp. Nghĩa là nơi nào hiện diện bom mìn, vật nổ, môi trường nơi đó bị ô nhiễm do sự oxi hóa các kim loại từ vỏ của vật nổ gây ra. Nhiều nghiên cứu cũng xác định nồng độ cao các nguyên tố độc hại đã được tìm thấy tại nhiều khu vực chịu tác động của hoạt động quân sự, trong đó, cơ bản là tác động tiềm tàng của kim loại nặng hoặc hóa chất từ bom mìn, vật nổ lâu năm.

Kể từ Hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn xác định ô nhiễm bom mìn, vật nổ là một trong những rào cản lớn trên con đường tái thiết một quốc gia, vùng đất sau chiến sự; do đó, khắc phục hậu quả do chúng để lại, biến những vùng đất chết thành vùng đất có khả năng là việc làm cần thiết và cấp bách, không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho người dân mà còn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Vì vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam với lực lượng Công binh làm nòng cốt đã xác định đây là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, tổ chức nhiều chiến dịch thu gom, tiêu hủy hàng triệu bom mìn các loại. Đặc biệt, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504), mỗi năm, hàng chục nghìn hécta đất đai được làm sạch, đưa vào canh tác, nhiều vùng “đất chết” do chiến tranh đã trở lại màu xanh.

1.-luc-luong-cong-binh-bo-chi-huy-quan-su-tinh-bac-kan-dua-bom-vao-vi-tri-huy-no.jpg

Lực lượng công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn đưa bom vào vị trí hủy nổ.

47 năm qua, bước chân của người chiến sĩ Công binh đã in dấu trên những vùng đất đai được hồi sinh, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công binh đã ngày đêm thầm lặng “chiến đấu” để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều người đã ngã xuống giữa thời bình. Nhưng, còn đó những khu vực biên giới, điều kiện địa hình hiểm trở, hoang hóa, những nơi dòng chảy đã thay đổi, sạt lở... Nhiều khu vực bãi mìn dày đặc, khi rà phá phải áp dụng quy trình khu vực “bãi đặc biệt”, nhiều khu vực ô nhiễm trên diện rộng phải cần nhiều thời gian và công sức... Vậy nên, “Lính Công binh không có thời bình” là thế.

Trong cuộc chiến hồi sinh đất đai, chúng ta còn có những người dân tham gia vào các dự án, chương trình của các quốc gia, tổ chức nước ngoài hỗ trợ Việt Nam. Ở một đất nước ra ngõ gặp anh hùng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, có một đội rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên của Việt Nam đã ra đời.

Tham gia vào nhiệm vụ này, những người phụ nữ hiểu rõ hơn ai hết mong muốn của mình trong việc góp phần cho quê hương, cộng đồng và chính gia đình của họ và họ dám chấp nhận đương đầu với nhiệm vụ nguy hiểm, thậm chí đối mặt với tử thần. Họ đã thực hiện công việc như các đội nam và các đội kết hợp khác. Các quy trình kỹ thuật và phương tiện làm việc của các đội đều như nhau. Jan Erik Støa - Giám đốc quốc gia Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại Việt Nam đã bị gây ấn tượng mạnh bởi những cô gái quả cảm này. Theo Jan, “Điều này đã phá vỡ cách nhìn cũ về việc bom mìn là lĩnh vực chỉ dành cho nam giới và chứng tỏ phụ nữ Việt Nam có thể làm bất cứ điều gì mà đàn ông có thể làm”.

"Vì một đất nước quản lý tốt bom mìn sau chiến tranh, không còn tác hại bom mìn sau chiến tranh" sẽ là mục tiêu trong tương lai mà Việt Nam cùng các tổ chức nước ngoài đang nỗ lực thực hiện. Khắc phục hậu quả chiến tranh trở thành một nội dung quan trọng trong thúc đẩy hợp tác, nhất là hợp tác quốc phòng, giữa Việt Nam và các nước, các đối tác trong khu vực và quốc tế, trong đó phải kể đến Chính phủ Mỹ hỗ trợ chuyển giao các trang thiết bị rà phá bom, mìn và hỗ trợ điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn ở 6 tỉnh miền Trung; Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thực hiện các dự án rà phá bom, mìn tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình; Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) viện trợ để thực hiện dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh” tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định...

7.-thanh-vien-doi-nts-tai-thua-thien-hue-cua-npa-le-thai-anh-va-le-trung-hieu-hoan-thanh-tap-huan-thu-thap-mau-dat-duoi-su-huong-dan-tu-ky-thuat-vien-iren-ms.-tran-thi-tu..jpg

Thành viên của NPA, Lê Thái Anh và Lê Trung Hiếu, hoàn thành tập huấn thu thập mẫu đất dưới sự hướng dẫn từ kỹ thuật viên Trần Thị Tú.

Khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ để khép lại quá khứ mà còn mở ra cánh cửa hợp tác quốc tế cho tương lai, kể cả với các nước trước đây từng tham chiến ở Việt Nam. Việt Nam đã phối hợp với phía Mỹ và hoàn thành dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng; xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa - một trong những dự án lớn nhất thế giới về xử lý môi trường bị ô nhiễm dioxin. Đây cũng là cách người Mỹ công nhận cuộc chiến đấu chính nghĩa để bảo vệ độc lập của dân tộc Việt Nam; đồng nghĩa với công nhận một cuộc chiến phi nghĩa áp đặt lên dân tộc Việt Nam của người Mỹ trong quá khứ và thể hiện trách nhiệm trước những gì mà trước đó, đất nước họ đã gây ra thảm họa cho Việt Nam, trong đó có vấn đề ô nhiễm đất đai do chất độc hóa học, vật liệu nổ, bom, mìn…

Phát biểu trong lễ bàn giao mặt bằng dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa giữa Quân chủng Phòng không - Không quân và USAID (Mỹ) vào cuối năm 2021, Bonnie Glick - Phó Giám đốc toàn cầu của USAID tâm sự: “Chúng ta sẽ tạo sức mạnh hàn gắn không chỉ khắc phục những gì quá khứ để lại mà còn thúc đẩy hợp tác cho một tương lai tốt đẹp hơn. Những gì chúng ta đã đạt được không phải là dễ dàng và là một ví dụ để quốc tế noi theo. Người Mỹ quan niệm “ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. Chúng tôi hy vọng, với ý chí của cả Mỹ và Việt Nam, chúng ta sẽ tìm ra được con đường”.

Con đường mà Việt Nam và lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới đang hướng đến, đó là cùng tái thiết hòa bình vì một thế giới không chiến tranh và không còn vùng đất - con người nào bị tổn thương bởi bom đạn. Chỉ có thể chung ý nghĩ, chung trái tim, chung bàn tay mới xoa dịu được đất lành. Tin rằng, với ý chí quyết tâm và nội lực mạnh mẽ cùng sự chung tay của cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách để đi đến tận cùng của mục tiêu cao cả: “Bước đi an toàn - Ngôi nhà an toàn - Vùng đất an toàn” trên đất nước Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn tay xoa dịu đất lành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO