Ban Nong Mai Fao - cộng đồng không rác thải
(TN&MT) – Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị chuyên đề ESG diễn ra tại Thái Lan từ 29/9 đến 02/10/2024 vừa qua, đoàn báo chí và đại sứ ESG đã có chuyến đi trải nghiệm thực tế tại Ban Nong Mai Fao – cộng đồng không rác thải do SCGP hỗ trợ tại huyện Ban Pong, tỉnh Ratchaburi, cách Thủ đô Băng Cốc khoảng 80km.
Cộng đồng Ban Nong Mai Fao tại Ban Pong, Ratchaburi, là thành viên của dự án Cộng đồng không rác thải, đã chuyển hóa từ khủng hoảng rác thải thành mô hình cộng đồng bền vững bằng cách thay đổi cách nhìn về “rác” theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Người dân nơi đây giờ đã xem rác thải như một nguồn tài nguyên có giá trị để tái chế, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng áp dụng mô hình quản lý rác thải bền vững.
SCGP đặt mục tiêu thiết lập Ban Pong thành một hình mẫu quản lý chất thải bền vững bằng cách liên tục phát triển sáng kiến “Cộng đồng không rác thải” tại 183 cộng đồng trên khắp Ban Pong, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Trong tương lai, Ban Pong sẽ đóng vai trò là trung tâm điển hình để các cộng đồng khác học hỏi.
Năm 2020, cộng đồng Ban Nong Mai Fao đã giành giải thưởng Cộng đồng không rác thải cấp quốc gia tại hạng mục làng quy mô trung bình, do Cục Xúc tiến Chất lượng Môi trường trao tặng. Thành công của cộng đồng đến từ cam kết quản lý rác thải toàn diện và khuyến khích việc phân loại rác thành các loại như: nguyên liệu có thể tái chế, rác thải thực phẩm, rác thải nông nghiệp, và rác thải nguy hại.
Hệ thống quản lý chất thải được thiết lập nhằm giải quyết các vấn đề về rác thải của cộng đồng. Mục tiêu là thay đổi nhận thức về “rác thải” thành một nguồn tài nguyên có giá trị, có thể tái sử dụng – “rác thải thành tài nguyên” - bằng cách thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải, từ nguồn phát sinh đến điểm cuối cùng.
Phương pháp này giúp giảm thiểu rác thải và tái chế thành nguyên liệu mới. Toàn bộ quá trình dựa trên sự hợp tác và tham gia tích cực của các thành viên trong cộng đồng, đóng vai trò như một mô hình mẫu cho các cộng đồng khác phát triển các hoạt động quản lý chất thải bền vững.
Cộng đồng Ban Nong Mai Fao đã áp dụng những kiến thức đã học và tạo ra bảy mô hình mẫu tập trung vào quản lý chất thải. Các mô hình này đã phát huy tính hiệu quả tích cực như thùng rác thân thiện với môi trường hay phân bón làm từ rác hữu cơ như cành cây, cỏ và rơm rạ thay vì đốt gây ô nhiễm.
Với rác thải không thể ủ phân bón hữu cơ, như vải vụn và vỏ hộp sữa, được chuyển đổi thành các sản phẩm như khăn tay, nôi em bé, vòng hoa và đặc biệt là khăn lau. Rác thải không thể bán được, như túi đựng cà ri và túi nhựa, được phân loại để chuyển đổi thành dầu. Ngoài ra, những chất thải này được gửi đến các trường học đối tác để tạo ra gạch và khối xây dựng. Các loại rau thừa và phân bò được sử dụng để nuôi giun đất, giúp tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng bằng cách bán cho các hộ chăn nuôi với giá lên tới 600 baht (423.000 VNĐ) mỗi kilogram.
Dự án Cộng đồng không rác thải do SCGP, công ty thành viên của Tập đoàn SCG hỗ trợ, thể hiện cam kết “thúc đẩy sự hợp tác” thuộc chiến lược ESG 4 Plus từ năm 2019. Tại dự án, SCGP đã phối hợp với người dân cùng 17 tổ chức chính quyền tại huyện Ban Pong, tỉnh Ratchaburi thành lập “Cộng đồng không rác thải”, nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải và khuyến khích tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên trong khuôn khổ chiến lược ESG – Môi trường, Xã hội và Quản trị minh bạch (Environmental, Social, and Governance).
SCGP, công ty thành viên ngành Bao bì của Tập đoàn SCG, định hướng hoạt động kinh doanh theo chiến lược ESG 4 Plus, cụ thể: Hướng đến phát thải ròng bằng không - Phát triển xanh - Giảm bất bình đẳng - Thúc đẩy sự hợp tác, đồng thời duy trì sự công bằng và minh bạch trong toàn bộ hoạt động kinh doanh. Mục tiêu và kế hoạch hành động của công ty tập trung vào việc tăng tỷ lệ bao bì thân thiện với môi trường và đạt 100% sản phẩm có khả năng tái chế vào năm 2030. Bên cạnh đó, SCGP còn hợp tác với các đối tác để thúc đẩy xã hội toàn diện, nâng cao tiềm năng và cải thiện chất lượng cuộc sống trong cộng đồng, cùng nhau hướng đến phát triển bền vững.