Ban hành Nghị định mới về quản lý sinh vật biến đổi gen

Tống Minh| 16/11/2020 16:52

(TN&MT) - Ngày 16/11, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Nghị định số 118/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen”.

5 sự kiện ngô biến đổi gen được cấp Giấy chứng nhận An toàn sinh học

Hướng đến hoàn thiện quy định về khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Văn Thức cho biết, thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học mà Việt Nam là quốc gia thành viên, ngày 21/6/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Trải qua 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định đã và đang phát huy hiệu quả trong việc quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen tại Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường  phát biểu khai mạc Hội thảo 

Cụ thể, có 7 sự kiện ngô biến đổi gen đã được công nhận kết quả khảo nghiệm hạn chế; 5 sự kiện ngô biến đổi gen đã được công nhận kết quả khảo nghiệm diện rộng; 5 sự kiện ngô biến đổi gen được cấp Giấy chứng nhận An toàn sinh học; 44 sự kiện ngô, đậu tương, bông, cỏ linh lăng, củ cải đường và cải dầu biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có một số quy định cần được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn quản lý”, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn thức cho hay.

Trước bối cảnh đó, ngày 2/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.

Theo đó, Nghị định mới này hướng đến mục tiêu sẽ hoàn thiện quy định về khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; Hoàn thiện quy định về vận chuyển quá cảnh sinh vật biến đổi gen theo khoản 3 Điều 42 của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP. Nghị định mới gồm 3 điều và 13 phụ lục.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Nhiều điểm mới

Nghị định số 118/2020/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP. Cụ thể, tại điểm 4, điều 5 quy định, sinh vật biến đổi gen là kết quả của quá trình lai quy tụ bằng phương pháp lai tạo truyền thống từ hai hoặc nhiều sự kiện chuyển gen đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học, Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi đồng thời tuân thủ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thì được phóng thích vào môi trường, sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi;

Điều 7 được sửa đổi khoản 2 như sau: “2. Báo cáo đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục IV, Phụ lục V và Phụ lục VI của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP . Trường hợp sinh vật biến đổi gen mang sự kiện chuyển gen tổ hợp, trong báo cáo đánh giá rủi ro phải cung cấp các dữ liệu bổ sung về sự tương tác của các gen chuyển trong cấu trúc, tính bảo tồn toàn vẹn về cấu trúc, chức năng và biểu hiện của gen mục tiêu trong sinh vật nhận.

Điều 15. Nội dung khảo nghiệm đánh giá rủi ro sinh vật biến đổi gen: Điểm c, Khoản 2 bổ sung các nội dung cho khảo nghiệm thực vật biến đổi gen gồm: Đối với đánh giá rủi ro của thực vật biến đổi gen bao gồm: đánh giá ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất; đánh giá ảnh hưởng của biện pháp canh tác thực vật biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học; Bãi bỏ khoản 3 “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết nội dung quy định tại khoản 2 của Điều này.”…

Đáng lưu ý, Nghị định số 118/2020/NĐ-CP có nhiều điểm mới so với Nghị định số 69/2010/NĐ-CP. Đơn cử, tại Điều 17 về Thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận Cơ sở khảo nghiệm đánh giá rủi ro sinh vật biến đổi gen. Khoản 2, giảm 03 bộ hồ sơ xuống còn 01 bộ, Bổ sung hình thức nộp qua đường bưu điện và qua môi trường mạng; Bổ sung mẫu biểu số 01 và 02 về đơn đăng ký và thuyết minh năng lực; Khoản 5, giảm thời gian ra quyết định từ 30 ngày xuống còn 10 ngày; Khoản 6, bãi bỏ quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục.

Cùng với đó, bổ sung Điều 17a về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng khảo nghiệm đánh giá rủi ro sinh vật biến đổi gen (gồm Thành phần Hội đồng, Trách nhiệm Hội đồng, Hoạt động của Hội đồng). Bổ sung Điều 17b về Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp lại quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Tại Điều 18 về Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi Giấy phép khảo nghiệm đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen. Khoản 2 giảm 03 bộ hồ sơ xuống còn 01 bộ (Bổ sung hình thức nộp qua đường bưu điện và qua môi trường mạng, Bổ sung mẫu biểu số 03 và 04 về đơn đăng ký và thuyết minh đăng ký khảo nghiệm). Khoản 4 giảm thời gian thẩm định từ 60 ngày xuống 45 ngày với khảo nghiệm diện rộng và 30 ngày với khảo nghiệm diện hẹp. Khoản 5, giảm thời gian ra quyết định từ 30 ngày xuống còn 10 ngày. Khoản 6, bãi bỏ quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban hành Nghị định mới về quản lý sinh vật biến đổi gen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO